Chi sao cho khéo...?

Năm 2011, sau nhiều năm căng thẳng bội chi ngân sách, lần đầu tiên bội chi ngân sách đã giảm dưới mức 5%, Tuy nhiên, tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011 vẫn vượt dự toán 9,7% (70.400 tỷ đồng). Nhiều ý kiến cho rằng mức tăng chi trên chưa thể hiện vai trò tích cực của chính sách tài khóa trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...

Năm 2011, sau nhiều năm căng thẳng bội chi ngân sách, lần đầu tiên bội chi ngân sách đã giảm dưới mức 5%, Tuy nhiên, tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011 vẫn vượt dự toán 9,7% (70.400 tỷ đồng). Nhiều ý kiến cho rằng mức tăng chi trên chưa thể hiện vai trò tích cực của chính sách tài khóa trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thu tăng, chi cũng tăng

Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, trong điều hành chính sách tài khóa năm 2011, Bộ Tài chính đã chỉ đạo thực hiện cắt giảm chi tiêu công, tạm dừng khởi công các công trình, dự án mới và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, từ đó góp phần đạt được mục tiêu đã đề ra đối với chính sách tài khóa là giảm bội chi NSNN xuống dưới 5% GDP (bội chi NSNN năm 2011 là 4,9% GDP, giảm 0,4% so với kế hoạch Quốc hội giao đầu năm).

Nhờ vậy, đã giảm dư nợ công trên 1% GDP. Tính đến 31/12/2011 dự kiến nợ công là 54,6% GDP, nợ Chính phủ 43,6% GDP và nợ quốc gia 41,5% GDP nằm trong giới hạn an toàn an ninh tài chính quốc gia, góp phần ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Tuy vậy, tổng chi NSNN năm 2011 vẫn vượt dự toán 9,7% là do thu NSNN năm 2011 đạt khá, thu ngân sách TW tăng khoảng 54.000 tỷ đồng; bên cạnh đó, trong quá trình điều hành NSNN các địa phương được sử dụng nguồn tăng thu trong năm mà ngân sách địa phương được hưởng theo quy định của Luật NSNN để phát triển KT-XH trên địa bàn nên HĐND các cấp được giao dự toán chi cao hơn so với dự toán Quốc hội giao.

“Do vậy, có thể khẳng định năm 2011 Bộ Tài chính đã thực hiện kiên quyết chính sách tài khóa chặt chẽ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát theo đúng Nghị quyết của Chính phủ..”- Bộ trưởng Huệ khẳng định.

Tuy nhiên, trong báo cáo của mình, Bộ Tài chính cũng thừa nhận chi NSNN vẫn còn tình trạng lãng phí, kém hiệu quả nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản; công tác phân bổ và giao dự toán chậm, không phân bổ hết dự toán ngay từ đầu năm; bố trí vốn đầu tư cho các dự án chưa đủ điều kiện; phân bổ vốn cho các dự án khởi công mới trái quy định; phân bổ vốn không đúng với cơ cấu, chương trình hỗ trợ được giao; chậm và thiếu kiên quyết trong cắt giảm đầu tư công, điều chuyển và ngừng khởi công mới dự án không đúng đối tượng...

Chỉ rót vốn cho công trình quan trọng

Năm 2012, mục tiêu trọng tâm của Chính phủ vẫn là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Bộ Tài chính khẳng định sẽ tăng cường chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ hoạt động chi NSNN nhằm thực hiện mục tiêu của Chính phủ.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Vương Đình Huệ, Bộ Tài chính sẽ chủ động phối hợp với Bộ KH&ĐT và các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo tinh thần Kết luận của Hội nghị Trung ương 3 và Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời thực hiện rà soát, hạn chế tối đa khởi công mới các công trình, dự án sử dụng vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ; rà soát, cắt giảm, sắp xếp các dự án đầu tư để tập trung vốn cho các công trình quan trọng, cấp bách, hoàn thành trong năm 2012, kiên quyết cắt giảm những công trình, dự án đầu tư kém hiệu quả hoặc sử dụng vốn không đúng mục đích, phấn đấu giảm bội chi NSNN xuống dưới 4,8% GDP.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tiết kiệm trong chi thường xuyên thông qua rà soát, hạn chế trang bị mới xe ôtô, điều hòa nhiệt độ, trang thiết bị văn phòng, phương tiện làm việc chưa thật sự cần thiết; tiết kiệm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, ..., giảm tối đa số lượng, quy mô và kinh phí chi hội thảo, hội nghị, tổng kết, sơ kết và các đoàn công tác trong và ngoài nước sử dụng kinh phí NSNN; ngừng các khoản chi cho các nhiệm vụ chưa thật sự cấp bách, nội dung không thiết thực.

Được biết, trong năm 2011, thông qua kiểm soát chi NSNN, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện trên 44.000 khoản chi của 21.800 lượt đơn vị chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, từ chối thanh toán với số tiền khoảng trên 515 tỷ đồng chưa đủ điều kiện chi theo quy định... Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giảm bội chi ngân sách thêm 0,1% GDP không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”, song vấn đề là làm sao duy trì mức giảm một cách bền vững...

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, công tác điều hành chi NSNN năm 2011 ở các Bộ, ngành và địa phương đã thực hiện theo hướng thắt chặt, vừa bám sát dự toán, vừa thực hành tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên đạt  3.857,7 tỷ đồng (các Bộ, cơ quan Trung ương khoảng 900 tỷ đồng; các địa phương khoảng 2.957,7 tỷ đồng); kinh phí thực hiện tạm dừng mua sắm khoảng 1.081,4 tỷ đồng (trong đó: ô tô là 514,4 tỷ đồng, điều hòa nhiệt độ 184,6 tỷ đồng); tổng số vốn đã thực hiện cắt giảm để điều chuyển cho các dự án khác cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện thuộc nguồn vốn NSNN khoảng 5.556 tỷ đồng và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 2.777 tỷ đồng; các Tập đoàn kinh tế và Tổng công ty nhà nước cũng thực hiện cắt giảm khoảng 39.210 tỷ đồng vốn đầu tư...

Thanh Thanh

Đọc thêm