Thiếu hiểu biết
Topline là khái niệm mang tính chuyên môn trong giới sáng tác trên thế giới, ở đó, nhạc sĩ thường được thuê để viết giai điệu và lời ca trên một nền nhạc beat (hòa âm, phối khí) có sẵn do nhà sản xuất âm nhạc cung cấp. Chính vì vậy, trên thế giới, việc một nhạc sĩ viết ca khúc trên nền nhạc beat có sẵn, hợp pháp, hoàn toàn bình thường.
Sáng tác đó không phải là thành quả của một mình nhạc sĩ mà là của những người cùng tham gia hình thành nên: người viết giai điệu, người viết lời ca và người làm hòa âm phối khí. Lợi nhuận cũng vì thế được chia đều cho cả ba một cách công bằng.
Ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi cho biết anh vừa hoàn tất phần giai điệu ca khúc cho một nhóm nhạc nổi tiếng thế giới và phần anh sẽ được chia từ lợi nhuận kinh doanh của ca khúc này là 33%. Hai nhạc sĩ khác, một người đảm trách phần lời hát và một người viết nhạc beat cũng được chia đều 33% lợi nhuận. Bên cạnh đó, Thanh Bùi cũng vừa hoàn tất việc ký kết hợp đồng với nhà sản xuất âm nhạc ở châu Âu, Imagen, viết giai điệu và lời ca dựa trên phần beat có sẵn do Imagen cung cấp. Phần lợi nhuận Thanh Bùi được hưởng là 50% theo thỏa thuận.
Đó là một vài dẫn chứng để khẳng định khi mọi việc được thực hiện nghiêm túc trên cơ sở luật lệ được áp dụng triệt để thì sẽ không bao giờ xảy ra những sự việc sai phạm như thường thấy ở Việt Nam.
Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho biết: “Các ca khúc trên thế giới có thể có nhiều bài trùng nhau về vòng hòa thanh nhưng không thể giống cả hòa thanh và hòa âm. Một nhạc sĩ khi hòa âm một bài hát, họ có bản quyền chất xám của mình trên bản hòa âm đó. Nếu một nghệ sĩ muốn dùng bản hòa âm đó để viết nhạc thì phải mua hoặc có sự đồng ý của tác giả cho dù họ có thay đổi giai điệu hay không. Nếu lấy một bản hòa âm đã có sẵn của một ca khúc đã được ra mắt của một ca sĩ khác và viết một giai điệu mới lên trên đó thì vẫn bị gọi là lấy cắp khi chưa được sự đồng ý của tác giả. Hơn nữa, khi ca sĩ đã thu lợi nhuận từ việc biểu diễn, bán nhạc chuông, nhạc chờ từ những ca khúc này thì càng phạm luật. Không nên lầm tưởng lấy beat của người khác là không sai phạm”.
Ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi cũng chia sẻ thêm ở nước ngoài, mọi thứ đều thuộc tầm kiểm soát của những nhà sản xuất âm nhạc danh tiếng như EMI, Universal, Cobalt, BMG… Những đơn vị này cũng được chia phần trăm theo thỏa thuận với nhạc sĩ. Là đơn vị cung cấp ca khúc cho thị trường âm nhạc rộng rãi trên khắp thế giới, những nhà sản xuất âm nhạc đó kiểm soát chặt chẽ đường đi sản phẩm của họ, sẵn sàng khởi kiện nếu xảy ra vi phạm bản quyền.
Vai trò lý luận phê bình?
Giới chuyên môn khẳng định ở thị trường âm nhạc thế giới, chuyện “mượn” trong sáng tác là điều không bao giờ xảy ra. Có chăng là “người viết nhạc có thể chịu ảnh hưởng bởi phong cách sáng tác của một người nào đó mà thôi. Và từ gam âm thanh của người khác, người viết nhạc sẽ học hỏi và biết cách tạo nên một gam âm thanh hoàn toàn khác mang dấu ấn cá nhân. Đặc trưng sáng tạo là ưu tiên hàng đầu của một nhạc sĩ” - nhạc sĩ Quốc Bảo khẳng định.
Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương cũng bất bình: “Các nhạc sĩ trẻ bây giờ rất thuận tiện vì họ có internet nhưng chính điều này lại khiến họ bị ảnh hưởng. Viết nhạc cực khó, không đơn giản đâu. Nếu có ý lấy câu dạo của bài nào nổi tiếng vào bản phối của mình cũng phải xin phép đàng hoàng”.
Thế nhưng, không phải người sáng tác trẻ nào cũng hiểu được điều đó. Ở đây, rõ ràng thiếu vai trò của lý luận phê bình âm nhạc trong việc cung cấp thông tin, định hướng sáng tác.
Vì vậy, giải pháp mà giới chuyên môn cho là khả thi nhất trong thời gian tới chính là cơ quan chức năng cần tổ chức nhiều buổi sinh hoạt (hội thảo, tọa đàm) về chuyên môn âm nhạc dành cho giới trẻ. “Học hỏi phải có căn bản thì mới sáng tạo được. Hiện nay, ở thị trường nhạc Việt, mỗi người đều phải tự học và việc tự học chỉ đạt được những kết quả có mức độ mà thôi. Điều đó hoàn toàn không đáp ứng đúng cho thị trường âm nhạc phát triển vốn đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và sự sáng tạo” - nhạc sĩ Thanh Bùi nói.