Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng năm 2024 tăng 4,04% do các mặt hàng thiết yếu đều tăng so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng tăng 4,04 %. (Ảnh minh họa: chinhphu.vn)
Chỉ số giá tiêu dùng 8 tháng tăng 4,04 %. (Ảnh minh họa: chinhphu.vn)

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 61 địa phương

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, sản xuất công nghiệp tháng tám tiếp tục xu hướng tăng trưởng tích cực, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8/2024 tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2024 ước tính tăng 2,0% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 12,6%; riêng ngành khai khoáng giảm 1,5%.

Tính chung 8 tháng năm 2024, IIP ước tính tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,2%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 giảm 0,4%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,6%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%.

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 8 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 29,5%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 21,6%; cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2024 đều tăng ở 61 địa phương so với cùng kỳ năm trước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao. Điều này chứng tỏ sản xuất đã phục hồi ổn định, sẽ tác động tốt đến các chỉ tiêu trong năm 2024.

10 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá

Cũng theo Tổng cục Thống kê, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước phục hồi, cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của du lịch đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành thương mại dịch vụ từ đầu năm đến nay. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2024 tăng nhẹ 0,4% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 14,3%; doanh thu du lịch lữ hành tăng 26,2%.

Tuy nhiên, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng giảm đan xen, trong đó giá lương thực, thực phẩm, giá nhà ở thuê tăng so với tháng 7/2024, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới. Do đó, tính chung tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ổn định so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 8 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%. Bình quân 8 tháng năm 2024, CPI tăng 4,04% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,71%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm có chỉ số giá tăng nhẹ; riêng nhóm giao thông giảm giá so với tháng trước. Trong đó, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,29% chủ yếu giá thuê nhà tăng 0,45% (nguyên nhân do nhu cầu thuê nhà tại một số địa phương tăng khi chuẩn bị vào năm học mới); giá gas tăng 0,67%, nguyên nhân do từ ngày 01/8/2024, giá gas trong nước điều chỉnh tăng theo giá gas thế giới. Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong tháng có giá giảm so với tháng trước như giá dầu hỏa giảm 6,02% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá điện sinh hoạt giảm 0,76%; nước sinh hoạt giảm 0,17% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi vào mùa mưa, thời tiết mát.

Báo cáo này cũng cho thấy, lạm phát cơ bản tháng 8/2024 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 8 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (4,04%). Lý giải nguyên nhân khiến mức tăng CPI 8 tháng thấp hơn mức bình quân chung, Tổng cục Thống kê cho biết do “chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản”.

Đọc thêm