Dự báo lạc quan về chỉ số giá tiêu dùng năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù có nhiều yếu tố tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng cuối năm, song nhiều dự báo cho thấy CPI trong cả năm 2024 tăng trong tầm kiểm soát.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Thanh Thanh)
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Thanh Thanh)

Ngày 3/7, Viện Kinh tế - Tài chính (KT-TC) (Học viện Tài chính - HVTC) đã tổ chức Hội thảo “Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024”.

Chủ trì Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung khá nhiều. Điều này giúp Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện KT-TC, thoạt nhìn con số CPI bình quân 6 tháng đầu năm có một số lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024. Tuy nhiên, trên thực tế, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn.

“Việc lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023. Bởi vậy, trong quý III/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý...”, vị chuyên gia nhận định.

Hơn nữa, theo TS Nguyễn Đức Độ, nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải. Cụ thể, so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,40%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý II/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng. “Đây đều là các mức vừa phải trong 5 năm gần đây”, ông Độ khẳng định.

Các nhân tố tác động đến lạm phát 6 tháng cuối năm

Các nhân tố tác động đến lạm phát 6 tháng cuối năm

PGS,TS Ngô Trí Long - Chuyên gia Kinh tế cho rằng, dù 6 tháng đầu năm nay lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không thể chủ quan do vẫn còn nhiều biến số khó lường gây áp lực lên lạm phát.

“Lạm phát có thể tiếp tục tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; do dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương… Chưa kể, còn do nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách… trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè, mà hiện đang là mùa cao điểm…”, PGS,TS Ngô Trí Long nhận định.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân) lo ngại khả năng tăng mặt bằng giá toàn bộ nền kinh tế sau khi tăng lương cơ bản. Theo phân tích của chuyên gia, xu hướng tăng giá đang hiện hữu từ quý II/2024 cho thấy khả năng cao trong tăng giá sau tăng lương. “Nếu so với chỉ tiêu thông qua bởi Quốc hội là CPI cả năm 2024 cao nhất đạt 4,5% so với năm 2023 là một mục tiêu không thật thuận lợi…”, ông Lạng lo ngại.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện KT-TC cho rằng, mặc dù lương cơ sở được tăng từ 1/7/2024, song việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế (chưa đến 8%). Bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.

Đại diện Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính - bà Nguyễn Hương Trà - thông tin, việc đánh giá tác động đến CPI của việc tăng lương hàng năm luôn được Ban Chỉ đạo điều hành giá chú trọng thực hiện để trên cơ sở đó xây dựng kịch bản điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. “Theo đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo nguồn cung dồi dào, giá cả hàng hóa không biến động bất thường, sốt giá…”, bà Trà khẳng định.

Chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo

Chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo

Theo Phó Viện trưởng Viện KT-TC, TS Nguyễn Đức Độ, không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến trong 6 tháng cuối năm 2024.

TS Nguyễn Đức Độ đưa ra 3 kịch bản lạm phát cuối năm, đồng thời phân tích, về tổng thể, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4% (+/- 0,2%).

PGS,TS. Nguyễn Bá Minh, nguyên Viện trưởng Viện KT-TC cho rằng, 6 tháng cuối năm 2024, lạm phát so với cùng kỳ sẽ có xu hướng giảm dần sau khi đạt đỉnh vào tháng 5/2024 nhờ nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất của Ngân hàng nhà nước, cũng như lạm phát toàn cầu có dấu hiệu hạ nhiệt.

“Áp lực lạm phát trong năm 2024 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình. Mặc dù vậy, nếu việc điều chỉnh giá được thực hiện trong nửa cuối năm 2024 với mức điều chỉnh không quá lớn, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi….”, PGS,TS. Nguyễn Bá Minh khẳng định.

Đọc thêm