“Chỉ số tín nhiệm xã hội” thấp, hàng triệu người Trung Quốc bị cấm mua vé máy bay

(PLVN) - Trong năm ngoái, tổng cộng đã có 17,5 triệu lượt người Trung Quốc bị cấm mua vé máy bay vì những vi phạm về “tín nhiệm xã hội”, trong đó có việc không nộp thuế hay bị phạt…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo AP, Trung tâm thông tin về Chỉ số tín nhiệm quốc gia của Trung Quốc cho biết, ngoài hơn 17,5 triệu lượt người bị cấm mua vé máy bay, những người khác cũng đã bị cấm mua vé tàu 5,5 triệu lượt.

Cũng theo báo cáo hàng năm vừa được công bố của Trung Quốc, trong năm qua đã có tổng cộng 128 người bị cấm rời khỏi Trung Quốc vì chưa nộp các khoản thuế.

Theo Trung tâm thông tin về Chỉ số tín nhiệm quốc gia của Trung Quốc, những người bị phạt áp dụng các hình thức hạn chế tiếp cận dịch vụ do điểm tín nhiệm xã hội thấp ở năm 2018 chủ yếu do những hành vi vi phạm như quảng cáo sai hay vi phạm các quy định về an toàn dược phẩm. 

Cũng theo trung tâm này, trong năm ngoái, các cá nhân đã 290.000 lần bị từ chối cho đảm nhiệm các công việc quản lý cấp cao hay trở thành người đại diện pháp luật của các công ty.

Tính đến nay, hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc đã khiến 3,5 triệu người Trung Quốc tự nguyện thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của họ. 37 người trong đó đã nộp tổng cộng 22 triệu USD tiền phạt hay tịch thu tài sản.

Trung Quốc đã đưa vào áp dụng thí điểm việc chấm điểm “tín nhiệm xã hội” từ năm 2014 trên cả nước.

Theo hệ thống chấm điểm này, mỗi người dân Trung Quốc sẽ được tính điểm tín nhiệm xã hội dựa trên những hành vi của họ. Những người vi phạm pháp luật hay có những vi phạm nhỏ như như dắt chó đi dạo mà không có dây xích cũng sẽ bị trừ điểm.

Những người có điểm tín nhiệm thấp sẽ bị áp dụng những hình phạt như hạn chế đi lại, làm ăn hay tiếp cận giáo dục.

Những công ty bị đưa vào danh sách đen trong khi đó có thể bị mất các hợp đồng làm ăn với chính quyền hay không được vay  nợ từ ngân hàng hoặc thậm chí bị cấm nhập khẩu hàng hóa.

Hệ thống trên được đưa ra nhằm cải thiện trật tự trong một xã hội đang thay đổi nhanh chóng của Trung Quốc sau 3 thập kỷ cải cách kinh tế, mà ở đó hàng hóa giả mạo và lừa đảo diễn ra thường xuyên.

Hiện, giới chức Trung Quốc đang đặt mục tiêu áp dụng đại trà trên toàn quốc việc chấm điểm tín nhiệm từ năm 2020.