Chi thù lao cho hòa giải viên: Sẽ kiến nghị sửa đổi Thông tư

(PLO) - Những năm gần đây, ở nhiều địa phương, tỷ lệ các vụ hòa giải thành tăng cao, góp phần hóa giải mâu thuẫn xóm làng, ổn định tình hình an ninh trật tự ở cơ sở. Một số địa phương cũng đã dành nhiều quan tâm về nguồn lực cho công tác này, song một khó khăn nổi lên vẫn là tình trạng thiếu kinh phí. 
Một vụ hòa giải thành công ở TP Vũng Tàu. Ảnh minh họa

Nhiều cách làm hay trong công tác hòa giải

Năm 2018, theo Bộ Tư pháp, chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hoà giải thành tiếp tục tăng so với những năm trước, góp phần tích cực vào việc xây dựng sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giảm thiểu khiếu nại, tố cáo, bảo đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội. Các địa phương quan tâm củng cố, kiện toàn mạng lưới Tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên.

Theo thống kê, hiện cả nước có 105.659 tổ hòa giải, với 639.638 hòa giải viên; trong năm, đã tiếp nhận 161.616 vụ việc hòa giải (giảm 5,7% so với năm 2016), trung bình tỷ lệ hòa giải thành đạt khoảng 79,61% (tăng 0,74% so với năm 2016). Một số địa phương có tỷ lệ hoà giải thành rất cao (như Khánh Hoà – 93,2%, Long An - 90,02%, Sơn La - 90%, Vĩnh Long – 89,34%, Tiền Giang - 88,5%, Hậu Giang – 88,2%, Tuyên Quang – 86,8%,...).

Nhiều địa phương có sáng kiến, cách làm hay. Đơn cử như Hà Nội hướng dẫn thực hiện thống nhất Mô hình hòa giải 5 tốt (Phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt, đạt tỷ lệ hòa giải thành 85% trở lên; Phối hợp với Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể ở cơ sở, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở tốt;

Được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn hòa giải viên tốt;  Được hỗ trợ kinh phí  thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của pháp luật; Định kỳ giao ban 6 tháng, hàng năm trao đổi kinh nghiệm hòa giải, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động hòa giải; ghi chép, quản lý sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định) và Tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở tạo những hiệu ứng tích cực trong công tác này. 

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ những hạn chế, trong đó nguồn kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ.

Kinh phí còn rất hạn hẹp

Tổng kết công tác tư pháp năm 2018, có địa phương đã đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính xem xét sửa đổi Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTP-BTC theo hướng tăng mức chi hỗ trợ hoạt động hòa giải ở cơ sở (đặc biệt là chi thù lao cho hòa giải viên).

Giải đáp vấn đề này, Bộ Tư pháp cho rằng, hoạt động hòa giải ở cơ sở là hoạt động tự quản, tự nguyện, Nhà nước không bao cấp hoàn toàn mà chỉ hỗ trợ một phần kinh phí để khuyến khích, động viên các hòa giải viên - những người đang làm việc tự nguyện vì cộng đồng.

Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTP-BTC ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở đã quy định về nội dung chi, mức chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc tại khoản 19 Điều 4: “Chi thù lao cho hòa giải viên (đối với các hòa giải viên trực tiếp tham gia vụ, việc hòa giải): Mức chi tối đa 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải”. Tại thời điểm xây dựng Thông tư liên tịch 100, mức chi thù lao cho hòa giải viên được đề xuất dựa trên tỷ lệ tương ứng với mức tăng lương tối thiểu chung từ năm 2010 đến năm 2014 có so sánh, đối chiếu với mức chi của các lĩnh vực có tính chất tương tự và đảm bảo tính khả thi khi thực hiện. 

Qua sơ kết 03 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở cho thấy, kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở còn rất hạn hẹp, phần lớn được bố trí chung trong kinh phí tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật  của địa phương nên chủ yếu phục vụ hoạt động tập huấn nghiệp vụ, cung cấp tài liệu pháp luật cho hòa giải viên.

Hiện có một số địa phương thực hiện chi thù lao cho hòa giải viên, có kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của tổ hòa giải trên toàn tỉnh, thành phố (Vĩnh Long,  Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Quảng Ninh, Kiên Giang, Lai Châu); còn lại đa số các địa phương chưa bảo đảm được mức chi đúng theo quy định, có tỉnh còn chưa thực hiện chi hỗ trợ cho tổ hòa giải cũng như chi thù lao cho hòa giải viên (Ninh Bình, Hà Giang, Lào Cai, Quảng Bình, Phú Thọ, Nam Định, Hà Nam).

Điều đó cho thấy việc thực hiện chế độ chi thù lao cho hòa giải viên trên phạm vi toàn quốc không đồng đều, còn nhiều tỉnh, thành phố chưa thực hiện đúng quy định tại Thông tư liên tịch 100 và văn bản do địa phương ban hành theo thẩm quyền để cụ thể hóa các định mức quy định tại Thông tư liên tịch 100 phù hợp với thực tiễn địa phương.

Bộ Tư pháp nhận thấy cần có thêm thời gian để các địa phương tiếp tục triển khai thi hành Thông tư này, trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp sẽ theo dõi, tổng hợp, đánh giá toàn diện, khách quan những kết quả đạt được, xác định tồn tại, hạn chế trong thực tiễn thi hành để từ đó đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch 100 theo thẩm quyền.  

Đọc thêm