“Chìa khoá” giúp các chuyến bay nội địa an toàn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giới chuyên gia nhận định, việc ứng dụng công nghệ như mã QR code cho đến nhận dạng khuôn mặt khi kiểm tra hộ chiếu, kiểm tra hành lý và giám sát máy bay từ xa sẽ là “chìa khoá” để việc mở lại đường bay nội địa đáp ứng tiêu chí an toàn.
Đề xuất mở lại đường bay nội địa.
Đề xuất mở lại đường bay nội địa.

Thận trọng khai thác thử nghiệm

Cục Hàng không Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kế hoạch tái khởi động đường bay nội địa. Cụ thể, trong kế hoạch này, Cục Hàng không Việt Nam phân 22 cảng hàng không, sân bay trên cả nước thành 3 nhóm A, B, C. Trong đó, nhóm A là các cảng hàng không, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không có khu vực áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nhóm B là các cảng hàng không, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố chỉ áp dụng giãn cách xã hội theo từng khu vực (cấp quận/huyện trở lên) trong tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương theo Chỉ thị 16. Nhóm C là các cảng hàng không, sân bay thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang áp dụng giãn cách xã hội toàn bộ theo Chỉ thị 16.

Theo đó, sau khi kế hoạch này được phê duyệt, giai đoạn 1 áp dụng trong vòng 4 tuần là chặng bay chiều từ nhóm A đến nhóm A, B và C sẽ không giới hạn hành khách nhưng hành khách phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Chặng bay chiều từ nhóm B đến nhóm A, B, C; từ nhóm C đến nhóm A và B, yêu cầu khách công vụ, lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Các hành khách khác ngoài việc phải có xét nghiệm âm tính còn phải đáp ứng một trong ba điều kiện: có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly và được cơ sở cách ly vận chuyển thẳng bằng xe chuyên dụng từ cơ sở cách ly đến cảng hàng không xuất phát; có chứng nhận tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát; có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 không quá 12 tháng tính đến thời điểm xuất phát.

Riêng chiều bay giữa các sân bay, cảng hàng không trong nhóm C, chỉ áp dụng đối với khách công vụ, lực lượng phòng, chống dịch COVID-19 và hành khách có văn bản đồng ý di chuyển/tiếp nhận của các địa phương đi và đến, với điều kiện có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.

Trong quá trình khai thác giai đoạn 1, Cục Hàng không Việt Nam sẽ theo dõi, đánh giá thực tiễn, nếu thực hiện thông suốt và không có các thông báo khác, hãng hàng không sẽ tiếp tục bán vé cho hành khách với các điều kiện như trên trong 2 tuần tiếp theo.

Công nghệ - yếu tố quan trọng

Nhìn chung, các doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt các doanh nghiệp hàng không, đều đang rất mong ngóng việc “mở cửa lại bầu trời” sẽ giúp cho thông thương thuận tiện hơn, phục vụ sản xuất kinh doanh, sớm khởi động trở lại nền kinh tế. Mặt khác, nhiều hành khách cũng có nhu cầu đi lại giữa các địa phương, sẵn sàng trả thêm các chi phí khác và thực hiện cách ly.

Theo ý kiến các chuyên gia, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, các hãng hàng không trên thế giới đã tính toán tăng cường áp dụng các giải pháp công nghệ không tiếp xúc trong phòng chống dịch, thúc đẩy việc quản lý nhân viên và khách hàng một cách hiệu quả. Đơn cử, khi việc giữ khoảng cách, hạn chế tiếp xúc giờ đây đã trở thành nguyên tắc “bình thường mới” trong nước, phổ biến nhất hiện nay chính là công nghệ mã vạch (QR code) nhằm quản lý, giám sát việc đi lại của người dân.

Mặt khác, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) đã được áp dụng rộng rãi trong ngành hàng không, từ nhận dạng khuôn mặt khi kiểm tra hộ chiếu tại sân bay đến kiểm tra hành lý và giám sát máy bay từ xa. Các phần mềm tích hợp thông tin cập nhật thông tin đến khách hàng nhanh chóng nhằm giúp họ biết được tình hình dịch bệnh thực tế tại điểm đến, những giấy tờ phải chuẩn bị và điều chỉnh lộ trình phù hợp.

Bên cạnh đó, nhiều hãng hàng không đã áp dụng công nghệ trong việc đào tạo và đảm bảo chất lượng nhân sự. Ví dụ, các trình giả lập mô phỏng chuyến bay cho phép phi công thực hành bất kỳ tình huống nguy hiểm nào trên chuyến bay. Điều này góp phần giúp các phi công hiện đang phải tạm nghỉ việc hoặc bị cắt giảm, dù không thể bay trên thực tế, họ vẫn đảm bảo số giờ trong buồng lái và thành các bài đánh giá hàng năm để duy trì hiệu lực chứng chỉ, kỹ năng nghề nghiệp của họ. Như vậy, các phi công vừa tuân thủ các yêu cầu phòng dịch vừa có thể sẵn sàng trở lại bầu trời bất cứ lúc nào có cơ hội.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm