Chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của chùa Hang, ngôi chùa duy nhất có sân chim

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chùa Hang không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp cổ kính, mà còn bởi sự độc đáo của sân chim và những tác phẩm điêu khắc mỹ nghệ do những đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của các vị sư nghệ nhân trong chùa kỳ công sáng tạo.
Chua Hang (Ảnh: thamhiemmekong.com)
Chua Hang (Ảnh: thamhiemmekong.com)

Chùa Hang, tiếng Khmer gọi là Kompông Chrây là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer nổi tiếng, tọa lạc tại khóm 3, thị trấn Châu Thành, cách trung tâm thành phố Trà Vinh hơn 5 km về hướng nam, theo quốc lộ 54.

Khởi nguyên, ngôi chùa này quay mặt về hướng đông, nhìn ra dòng sông Long Bình, nơi có bến ghe xuồng gần bên gốc đa để bà con tiện lên chùa nghe kinh, lễ Phật nên có tên Wat Kompong Ch’rây (Chùa Bến Cây Đa).

Chùa Hang được thành lập năm 1637 và đã trải qua 22 đời sư trụ trì. Năm 1968, trong sự kiện Tết Mậu Thân, chùa bị bom đạn tàn phá nặng nề. Đến năm 1977, hoà thượng Thạch Xuông (nay là sư trụ trì đời thứ 23) trở về, vận động phục dựng lại chùa. Từ đó đến nay, qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa trở nên khang trang và bề thế.

Chùa Hang, tiếng Khmer gọi là Kompông Chrây (Ảnh: thamhiemmekong.com)

Chùa Hang, tiếng Khmer gọi là Kompông Chrây (Ảnh: thamhiemmekong.com)

Người dân quen gọi là chùa Hang bởi cổng phụ phía tây, quay ra tỉnh lộ 36 (nay là quốc lộ 54), được xây giống như một hệ thống 3 hang động sát nhau. Trong đó, cổng chính giữa là một hang lớn, hai cổng hai bên là hai hang nhỏ. Cả ba cổng đều được xây kiên cố với bức tường dày 12m, tạo cảm giác đứng trong cổng như đang trong hang đá.

Cổng phụ của chùa (Ảnh: thamhiemmekong.com)
Cổng phụ của chùa (Ảnh: thamhiemmekong.com)

Cổng hang là “vết tích” cho thấy Phật giáo Nam tông Khmer Trà Vinh có sự kế thừa nhất định Bà La Môn giáo, bởi ngày xưa, các tu sĩ Bà La Môn thường lặng lẽ tu luyện trong các hang động thâm u, vắng bóng người qua lại.

Đi qua chiếc cổng độc đáo này là khuôn viên chùa rộng hơn 7 ha xanh mát như vườn sinh quyển, với nhiều loại cây chen nhau mọc thẳng như sao, dầu, tre, trúc… Nhiều cây đã thuộc hàng cổ thụ trăm năm, thân to một người ôm không xuể.

Chiếc cổng ấn tượng tại chùa Hang (Ảnh: Thanh niên)

Chiếc cổng ấn tượng tại chùa Hang (Ảnh: Thanh niên)

Chánh điện chùa xây dựng trên nền đất cao, có nhiều bậc cấp dẫn lên, được trang trí lộng lẫy với nhiều hoa văn, họa tiết. Mái của chánh điện được cấu tạo gồm nhiều lớp chồng lên nhau, trên đỉnh là chóp tháp cao vút, uy nghi. Bên trong chính điện là hai hàng cột cao lớn uy nghi, giữa chính điện là bàn thờ. Tượng Phật Thích Ca to lớn đặt trên cao, phía dưới là những tượng Phật Thích Ca nhỏ hơn trong nhiều tư thế khác nhau.

Chánh điện (Ảnh: thamhiemmekong.com)

Chánh điện (Ảnh: thamhiemmekong.com)

Phía trước nhà khách và tăng xá là tháp cột cờ, chân tháp có bộ phù điêu 7 đầu rắn thần Naga. Hai bên có bộ bánh xe 12 tượng trưng thập nhị nhân duyên. Đối diện với chánh điện chùa Hang là quần thể tượng 12 con giáp, được bố trí hình vòng cung đắp nổi cặp rồng uốn lượn như chiếc thuyền. Đầu rồng ngẩng trên hai trụ đắp phù điêu thần Yak (chằn tinh được Phật cải hóa) và Voi. Nhìn từ bên trái sang là các tượng bao gồm các thần tiên và chằn cưỡi chuột, cưỡi bò, cọp, thỏ và rồng, tương ứng với Tý – Sửu – Dần – Mẹo – Thìn của người Việt.

Tháp cột cờ (Ảnh: thamhiemmekong.com)

Tháp cột cờ (Ảnh: thamhiemmekong.com)

Về phía bên phải cũng theo trình tự gồm các vị thần tiên cưỡi dê, khỉ, gà, chó và thần cỡi heo xếp ngoài cùng. Chính giữa có vị thần cỡi đầu rắn Naga và thần cỡi ngựa bố trí sát bình phong. Trên tấm bình phong là một kiến trúc xây tháp 4 mặt có mái che, hai bên có tượng nữ thần Kinnari chống đỡ mái, trên cùng là bộ tượng 8 vị Phật chắp tay.

Cũng như những ngôi chùa Khmer khác, chùa Hang không chỉ là điểm thờ tự, tín ngưỡng mà còn là nơi học tập, giáo dục đạo đức, bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống của người Khmer. Trong chùa có một trường học khá quy mô và khoảng hai chục nhà sàn nhỏ, người dân Khmer trong vùng thường đến để cầu nguyện, tu tập ở đây.

So với các ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, Chùa Hang là ngôi chùa không lớn. Sức hấp dẫn của ngôi chùa này đối với du khách gần xa chính ở xưởng điêu khắc gỗ hoạt động gần 30 năm, với nhiều sản phẩm tạo được tiếng vang trên thị trường mỹ nghệ Việt Nam và một “sân chim” được bảo vệ nghiêm ngặt tồn tại sát bên cạnh thành phố Trà Vinh.

Từ thập niên 1990 trở lại đây, khuôn viên Chùa Hang trở thành nơi quần tụ của nhiều loại chim. Ngay khi có hiện tượng chim quần tụ trở về, sư sãi và bà con trong phum sóc rất vui mừng. Nhà chùa đặt ra những quy định bảo vệ chim và bảo vệ cây rừng rất nghiêm ngặt, tạo ra môi trường tự nhiên an bình cho những đàn chim trở về trú ngụ ngày càng đông hơn.

Khuôn viên Chùa Hang là nơi quần tụ của nhiều loại chim (Ảnh: Thanh niên)

Khuôn viên Chùa Hang là nơi quần tụ của nhiều loại chim (Ảnh: Thanh niên)

Ngày nay, trên khuôn viên hơn 7 ha Chùa Hang có đến gần hàng chục ngàn cá thể chim các loại, nhiều nhất là cò trắng, cò ngà, cò cổ đỏ và diệc. Được con người yêu thương bảo vệ, chim ngày càng dạn dĩ hơn. Chúng làm tổ cả trên khu vực cây cảnh mới trồng trước sân chánh điện, nhà tăng xá…

Du khách đến thăm chùa Hang sẽ có cơ hội trực tiếp chứng kiến các nghệ nhân và công nhân xưởng điêu khắc gỗ bằng nhiều dụng cụ khác nhau, chế tác thủ công tạo hình các tác phẩm đặc sắc từ những gốc cây đủ loại, đủ kích cỡ và hình thù. Qua gần 30 năm hoạt động, xưởng điêu khắc gỗ nghệ thuật Chùa Hang đã cho ra đời rất nhiều ngàn tác phẩm với nhiều kích cỡ khác nhau. Các tác phẩm từ xưởng điêu khắc gỗ Chùa Hang đều mang đậm dấu ấn nghệ thuật tạo hình truyền thống của người Khmer Nam bộ.

Nghệ nhân điêu khắc gỗ (Ảnh: thamhiemmekong.com)

Nghệ nhân điêu khắc gỗ (Ảnh: thamhiemmekong.com)

Dấu ấn điêu khắc của các sư thầy ở chùa Hang là giữ được nét tự nhiên bộ rễ cây, không ngâm hóa chất hoặc luộc chín. Các nghệ nhân nương theo hình thù tự nhiên của cây, làm theo cảm xúc thăng hoa. Có tác phẩm nhỏ gọn nhưng cũng có loại đồ sộ dài hàng chục mét, nặng vài tấn đặt tại các đền đài, khách sạn lớn, phần lớn đều mang đậm dấu ấn nghệ thuật tạo hình truyền thống của người Khmer Nam bộ.

Đến tham quan, du khách có thể chọn mua hoặc đặt hàng những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ mà mình ưng ý nhất.

Đọc thêm