Chiến dịch phản gián dụ “trùm” gián điệp rời biên giới

(PLO) -Theo chiến dịch phản gián được vạch ra, các điệp viên Mỹ đã đóng giả là các nhà khoa học để tiếp cận Xu, dụ ông ta tới Bỉ để “trao đổi”. Tuy nhiên, sau khi Xu đến Bỉ, ngày 1/4, giới chức Mỹ đã tiến hành bắt giữ ông ta theo lệnh truy nã của Mỹ. 
Vị quan chức Trung Quốc bị cáo buộc tìm cách đánh cắp bí mật thương mại của công ty GE
Vị quan chức Trung Quốc bị cáo buộc tìm cách đánh cắp bí mật thương mại của công ty GE

Trong tuần qua, lần đầu tiên Mỹ đã dẫn độ thành công một quan chức tình báo Trung Quốc từ một nước khác về nước này. Theo giới chức Mỹ, vị quan chức Trung Quốc đã tìm cách đánh cắp bí mật thương mại của một số công ty hàng không và không gian vũ trụ của Mỹ.

Vụ dẫn độ đầu tiên

Theo tuyên bố được Bộ Tư pháp Mỹ phát đi, Bộ này đã bắt giữ và khởi tố một sỹ quan thuộc Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc về các cáo buộc làm gián điệp kinh tế và âm mưu đánh cắp bí mật thương mại của một số công ty hàng không và không gian vũ trụ của Mỹ. AFP dẫn tuyên bố cho hay, nhân vật bị khởi tố là ông Xu Yanjun – một quan chức của Bộ An ninh quốc gia Trung Quốc.

Nói rõ hơn về thân thế người này, Reuters dẫn các nguồn tin cho rằng ông Xu là Phó Giám đốc của Sở An ninh quốc gia tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc ông Xu đã lên kế hoạch đánh cắp các bí mật thương mại của Công ty hàng không GE Aviation và một số công ty khác. GE Aviation là một công ty con của General Electric, công ty chuyên cung cấp động cơ cho các máy bay cỡ lớn của Boeing và Airbus. Hiện công ty này cũng đang tiến hành việc phát triển thế hệ động cơ mới cho các máy bay thương mại và máy bay trực thăng quân sự hạng nặng.

Ngoài ra, theo Bộ Tư pháp Mỹ, trong số các công ty mà vị quan chức Trung Quốc nhắm đến, còn có một công ty nằm trong nhóm các công ty hàng không vũ trụ lớn nhất thế giới cùng một công ty hàng đầu về sản xuất máy bay trực thăng thương mại và các hệ thống phòng thủ, không gian, an ninh. Một công ty hàng đầu về công nghệ thiết bị không gian không người lái cũng được cho là nằm trong nhóm các mục tiêu của vị quan chức của Trung Quốc.

Bản cáo trạng chống lại ông Xu cáo buộc ông ta đã bắt đầu nhắm đến các công ty hàng không của Mỹ từ khoảng tháng 12/2013. Trong thời gian này, ông ta đã liên lạc với nhiều chuyên gia đang làm việc cho các công ty của Mỹ và dụ họ tới Trung Quốc, thường là với lý do đến Trung Quốc để tham gia các buổi thuyết trình tại các trường đại học.

Mỗi chuyến công tác như vậy, Xu đều trả tiền chi phí đi lại và tiền công rất hậu hĩnh cho các chuyên gia. Trong số các thông tin mà ông ta nhắm đến được cho là bao gồm dữ liệu về thiết kế và vật liệu của cánh quạt động cơ máy bay của GE.

Cáo trạng nêu rõ, vào tháng 3/2017, ông Xu đã gửi thư điện tử cho một kỹ sư của công ty GE Aviation, đề nghị ông này tới Trung Quốc để tham gia các cuộc “trao đổi”. Theo đề nghị này, trong các tháng 5 và tháng 6/2017, vị kỹ sư đã tới Trung Quốc gặp Xu và mang theo một chiếc máy tính xách tay cá nhân có 5 file tài liệu.

Theo giới chức Mỹ, hồi tháng 3 vừa qua, sau khi điều tra thấu đáo vụ việc, lực lượng hành pháp Mỹ đã quyết định “giăng lưới” bắt Xu. Theo chiến dịch phản gián được vạch ra, các điệp viên Mỹ đã đóng giả là các nhà khoa học để tiếp cận Xu, dụ ông ta tới Bỉ để “trao đổi”. Tuy nhiên, sau khi Xu đến Bỉ, ngày 1/4, giới chức Mỹ đã tiến hành bắt giữ ông ta theo lệnh truy nã của Mỹ. 

Đến ngày 9/10, ông Xu đã được phía Bỉ bàn giao cho Mỹ, đánh dấu lần đầu tiên một quan chức tình báo Trung Quốc bị dẫn độ từ một nước khác về Mỹ. FBI gọi đây là vụ dẫn độ chưa từng có tiền lệ đồng thời cho rằng vụ việc cho thấy Chính phủ Trung Quốc có liên quan đến các hoạt động gián điệp kinh tế chống lại Mỹ.

Động thái bắt giữ dẫn độ này làm quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng
Động thái bắt giữ dẫn độ này làm quan hệ Mỹ - Trung thêm căng thẳng

“Vụ dẫn độ chưa có tiền lệ một quan chức tình báo Trung Quốc cho thấy Chính phủ Trung Quốc có biết về các hoạt động gián điệp chống lại Mỹ”, ông Bill Priestap, trợ lý giám đốc FBI về hoạt động phản gián, nói. Ông John Demers – trợ lý Bộ trưởng tư pháp Mỹ về an ninh quốc gia – cũng cho rằng vụ việc không phải là duy nhất. “Chúng tôi không thể tha thứ cho bất cứ nước nào tìm cách đánh cắp thành quả trí tuệ của chúng tôi”, ông này nói.

Theo AFP, hình phạt tối đa đối với tội danh âm mưu và thực hiện hoạt động gián điệp chống lại Mỹ là 15 năm tù giam. Còn tội danh âm mưu và đánh cắp các bí mật thương mại của Mỹ theo luật pháp của nước này có khung hình phạt cao nhất là 10 năm tù.

Gia tăng căng thẳng

Các nhà quan sát cho rằng việc giới chức Mỹ bắt giữ sĩ quan tình báo cấp cao Trung Quốc Xu Yanjun đánh dấu một nấc thang mới trong nỗ lực của chính quyền của Tổng thống Donald Trump nhằm trấn áp hoạt động gián điệp của Trung Quốc nhằm vào Mỹ giữa lúc căng thẳng giữa 2 nước thời gian qua leo thang vì tranh chấp thương mại.

Năm 2015, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được sự đồng thuận về hoạt động gián điệp mạng nhưng thỏa thuận đến nay không được thực thi một cách đầy đủ. Ông Chris Painter – một cựu quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ từng tham  gia đàm phán về thỏa thuận – cho rằng vụ việc vừa qua không có gì đáng ngạc nhiên xét trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian gần đây xấu đi.

Ông Xu là công dân Trung Quốc thứ 2 bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố về cáo buộc tìm cách đánh cắp bí mật của ngành công nghiệp hàng không của nước này. Hồi cuối tháng trước, Bộ tư pháp Mỹ cũng đã truy tố một công dân Trung Quốc ở Chicago về cáo buộc làm việc cho một quan chức tình báo cấp cao của Trung Quốc, giúp người này tìm cách tuyển mộ các kỹ sư và nhà khoa học của Mỹ, trong đó có một số người làm việc cho các nhà thầu quốc phòng của Washington.

Vụ việc của ông Xu và vụ việc này được cho là có liên quan đến nhau và vị quan chức mà công dân Trung Quốc ở Chicago làm việc cho được cho là làm việc ở Sở An ninh quốc gia tỉnh Giang Tô mà ông Xu làm Phó giám đốc.

Hãng tin NBC News trong tuần qua cũng dẫn lời một quan chức Mỹ nói rằng một giáo sư tại một trung tâm nghiên cứu ung thư hàng đầu ở Houston cũng đang bị điều tra về nghi án tham gia hoạt động gián điệp kinh tế cho Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ các cáo buộc của Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng tại một cuộc họp báo cáo buộc Mỹ đang cố “tạo ra thứ gì đó từ hư không”, ám chỉ Trung Quốc hoài nghi về thông tin phía Mỹ bắt giữ một quan chức an ninh của Trung Quốc do có hành vi ăn cắp bí mật công nghệ từ một hãng hàng không vũ trụ của Mỹ và dẫn độ người này về Mỹ. 

Vụ việc cũng được xem là một tín hiệu nữa cho thấy sự căng thẳng trong quan hệ chung giữa 2 nước, sau khi giới chức Mỹ lên tiếng cáo buộc Trung Quốc cũng đang tìm cách can thiệp vào bầu cử nước này cùng một số cáo buộc khác liên quan đến quân sự.

Chính phủ Mỹ trong tuần qua cũng đã công bố những nét chính trong hệ thống đánh giá nghiêm ngặt được Bộ Tài chính nước này đưa ra nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ nhạy cảm của Mỹ. Theo chương trình thử nghiệm vừa được công bố, Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) - ủy ban liên cơ quan do Bộ Tài chính Mỹ giữ vai trò chủ đạo, có thẩm quyền ngăn chặn những vụ mua lại các công ty của Mỹ với lý do an ninh quốc gia - sẽ có thể ngăn chặn việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp chuyên doanh công nghệ nhạy cảm của Mỹ. Các thỏa thuận có thể giúp nhà đầu tư truy cập thông tin kỹ thuật không công khai của Mỹ cũng có thể bị CFIUS ngăn lại với lý do an ninh quốc gia.

Theo New York Times, động thái của Mỹ chủ yếu nhằm vào Trung Quốc – nước bị Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc đang tìm cách tiếp cận các công nghệ của Mỹ bằng những cách thức bất hợp pháp. Nhà Trắng chỉ trích Trung Quốc đã tìm cách thu thập được các bí mật thương mại của Mỹ bằng cách đầu tư vào các công ty của Mỹ, gây áp lực lên các công ty của Mỹ để buộc họ phải bàn giao các tài sản trí tuệ nếu muốn kinh doanh tại Trung Quốc… 

Đọc thêm