Vì sao Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc bất ngờ từ chức?

(PLO) -Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) Nikki Haley hôm 10/10 bất ngờ thông báo sẽ chính thức rời vị trí vào tháng 1/2019. Được xem là gương mặt đại diện của Tổng thống Donald Trump tại LHQ, thông báo của bà Haley đã khiến các đồng nghiệp và ngay cả những quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ vô cùng bất ngờ.
Bà Haley và ông Trump tại buổi thông báo về việc từ chức.
Bà Haley và ông Trump tại buổi thông báo về việc từ chức.

Gương mặt của ông Trump tại LHQ

Thông báo về việc từ chức của bà Haley được bà và ông Trump đưa ra tại một cuộc họp ở Phòng Bầu Dục. Theo một quan chức trong chính quyền, ông Trump đã đề nghị cả hai người cùng thông báo về sự ra đi của bà Haley. Vị quan chức này cũng nói rằng bà Haley là nhân vật duy nhất trong chính quyền ông Trump được đãi ngộ như vậy.

Trong phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ đã hết lời khen ngợi nữ đại sứ, nhấn mạnh bà là người rất đặc biệt với ông và rằng ông hy vọng bà sẽ trở lại chính quyền trong tương lai. Theo ông Trump, bà Haley sẽ chính thức rời khỏi chức vụ Đại sứ Mỹ tại LHQ kể từ tháng 1/2019. 

Bà Haley sinh năm 1972 trong một gia đình người Mỹ gốc Ấn Độ. Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã bộc lộ sự tháo vát hơn người. Năm 12 tuổi, bà đã giúp mẹ kinh doanh. Về sau, hai người đã gầy dựng được một công ty kinh doanh quần áo cao cấp có doanh số lên đến hàng triệu USD mỗi năm. 

Có bằng kế toán, khả năng kinh doanh tốt nhưng bà Haley cũng mê chính trị và gia nhập chính trường từ khá sớm. Năm 2004, bà lần đầu được bầu vào Hạ viện bang Nam Carolina rồi tái đắc cử liên tiếp hai nhiệm kỳ sau đó. Đến tháng 11/2010, bà ra tranh cử và được bầu làm Thống đốc thứ 116 của bang Nam Carolina. 

Bà là người phụ nữ đầu tiên, cũng là người không phải da trắng đầu tiên làm thống đốc của bang này; là thống đốc thứ hai của Mỹ là người gốc Ấn, người thứ ba không phải là người gốc Âu - Mỹ đã được bầu làm thống đốc một tiểu bang miền Nam nước Mỹ.

Nhậm chức năm 38 tuổi, bà là thống đốc trẻ nhất ở Mỹ lúc bấy giờ. Năm 2012, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney từng xem xét mời bà Haley làm ứng viên phó tổng thống trong liên minh tranh cử nhưng bà đã từ chối.

Sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông đã mời bà Haley làm đại sứ Mỹ tại LHQ và bà đã nhận lời, trở thành 1 trong 6 phụ nữ trong nội các của ông Trump. Trong suốt thời gian qua, bà được xem là gương mặt đại diện của ông Trump trong việc thực thi chính sách “nước Mỹ trên hết” tại LHQ, lèo lái việc Mỹ rút khỏi một số chương trình của tổ chức này.

Bà Haley được các đối tác tại LHQ xem là tiếng nói rõ ràng về các chính sách của Mỹ trong bối cảnh chính quyền nước này thường đưa ra những dấu hiệu lẫn lộn về chính sách ngoại giao. Việc bà Haley từ chức đã dấy lên những lo ngại từ các đồng minh của Mỹ tại LHQ. Bởi, dù là một người khá “mạnh miệng”, từng cảnh báo sẽ “nhớ mặt” nước nào dám bỏ phiếu ngược lại với Mỹ nhưng bà đã thành công trong việc thuyết phục ông Trump rằng LHQ có ích đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Ở tuổi 46, bà Haley được đánh giá là đã tạo dựng được tiếng tăm chính trị cho riêng mình và có nhiều triển vọng sự nghiệp trong tương lai. Một số người đánh giá bà là một ngôi sao đang lên trên chính trường Mỹ. Chuyên gia Christine Matthews thậm chí cho rằng bà Haley là người duy nhất trong chính quyền của ông Trump đang thực hiện vai trò của mình rất tốt.

Theo bà Matthews, bà Haley có nhiều điểm tương đồng với giống cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice và là một trong số ít người của đảng Cộng hòa mà cả phe bảo thủ và ôn hòa đều yêu mến. Năm 2016, bà được tạp chí Time bầu chọn vào danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất hành tinh.

Ra tranh cử tổng thống?

Việc từ chức của bà Haley khiến các nhà ngoại giao tại LHQ đều bất ngờ bởi trước đó bà không có bất cứ động thái nào cho thấy có ý định từ chức. Dù một số nhà ngoại giao từng làm việc với bà Haley cũng đã đoán rằng bà có thể sẽ không đảm nhiệm vị trí đến hết nhiệm kỳ 4 năm nhưng họ không nghĩ rằng bà sẽ ra đi sớm như vậy. Truyền thông Mỹ dẫn lời các quan chức trong chính quyền Mỹ cho hay, thậm chí Ngoại trưởng Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton cũng bất ngờ về việc này.

Nguyên nhân ra đi của bà Haley là điều được nhiều người đồn đoán. Thời gian qua, nhiều người cho rằng bà Haley đang tận dụng thời gian và vị trí Đại sứ của Mỹ tại LHQ để tiến gần hơn tới tham vọng ra tranh cử tổng thống. Truyền thông Mỹ cho rằng bà muốn trở thành đối thủ của ông Trump trong bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa tại cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Tuy nhiên, trong phát biểu mới nhất, bà Haley đã bác bỏ đồn đoán này, khẳng định sẽ ủng hộ nỗ lực tái tranh cử của ông Trump. “Không, tôi không ra tranh cử vào năm 2020”, bà nói. 

Một nhà ngoại giao Mỹ trong khi đó cho rằng việc từ chức của bà Haley có thể là do bị ảnh hưởng bởi những yêu cầu mở cuộc điều tra về việc bà đã sử dụng các máy bay tư nhân do một doanh nhân ở Nam Carolina cung cấp để di chuyển. Song, chính nhà ngoại giao này cũng cho rằng cáo buộc này có lẽ không nghiêm trọng đến mức khiến nữ đại sứ phải rời nhiệm sở sớm.

Ngoài ra, có một điểm đáng chú ý là định hướng chính sách cứng rắn mà bà Haley theo đuổi thời gian qua đã vài lần đẩy bà vào tình thế mâu thuẫn với Nhà Trắng, đặc biệt là trong vấn đề Nga. Ví dụ, trong khi ông Trump ít khi chỉ trích Điện Kremlin, hoặc nếu có cũng chỉ trích kín đáo thì bà Haley thường xuyên có những phát biểu chỉ trích chính sách của Nga trong các vấn đề Syria và Ukraine cùng một số vấn đề khác. 

Hồi tháng 4 vừa qua, bà thông báo Mỹ sắp áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga nhưng Nhà Trắng sau đó đã bác bỏ tuyên bố này, đồng thời còn cho rằng nữ đại sứ đã “nhầm lẫn”. Bà lên tiếng khẳng định không hề nhầm nhưng động thái của Nhà Trắng vẫn được cho là đã khiến bà “bẽ mặt”. Vị trí của bà trong chính quyền Mỹ cũng được cho là đã bị lu mờ sau khi ông Mike Pompeo nhậm chức ngoại trưởng Mỹ và có quan hệ tốt với ông Trump.

Bà cũng thường xuyên mâu thuẫn với Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là ông John Bolton trong các vấn đề liên quan tới LHQ. Nữ đại sứ cũng gặp phải những bất đồng với quan chức Nhà Trắng Stephen Miller về vấn đề chính sách đối với người tị nạn.

Ai sẽ thay thế?

Tờ Washington Post lại chỉ ra rằng bà Haley đã gửi thư thông báo về ý định từ chức tới ông Trump vào ngày 3/10. Một ngày trước đó, ông Trump đã xuất hiện tại một sự kiện chính trị tại Mississippi và đã có những phát biểu mỉa mai Tiến sỹ Christine Blasey Ford – người đã đứng ra tố ứng viên được ông Trump đề cử vào Tòa án tối cao tấn công tình dục bà.

Trong khi đó, bà Haley thể hiện mình là một người mạnh mẽ bảo vệ các quyền của phụ nữ, từng lên tiếng ca ngợi những phụ nữ bước ra tố cáo những lạm dụng tình dục và những hành vi không tốt của nam giới. Thậm chí, bà từng cho rằng nói rằng tiếng nói của những phụ nữ này cần được lắng nghe ngay cả khi họ cáo buộc ông Trump. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy việc ông Trump chỉ trích bà Ford đã dẫn tới quyết định của bà Haley.

Một số phân tích khác lại đi theo giả thuyết cho rằng 2 năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống sẽ là thời gian để các chính phủ xây dựng và triển khai chính sách đối ngoại còn những hậu quả của việc thí điểm sẽ thể hiện rõ trong 2 năm sau đó.

Trong khi đó, Chính phủ Mỹ đang có các mâu thuẫn trên nhiều mặt trận, từ với Iran tới Trung Quốc và quan hệ với Nga cũng đang xấu đi. Do vậy, trong trường hợp các chính sách của chính quyền của ông Trump đưa đến kết quả xấu trong 2 năm tới thì với việc đã từ chức, bà Haley sẽ không phải chịu bất cứ trách nhiệm hay áp lực nào. 

Trong phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết đã được bà Haley đề cập đến việc muốn có thời gian nghỉ ngơi từ khoảng 6 tháng trước. Tuy nhiên, bản thân bà Haley từ chối nói về lý do từ chức. Thay vào đó, bà chỉ nói rằng “điều quan trọng là phải hiểu khi nào đến lúc phải đứng sang một bên để cho người khác làm công việc đó”. 

Tổng thống Donald Trump ngày 9/10 cho biết ông đang có danh sách 5 ứng viên có thể sẽ thay thế bà Haley. Tuy nhiên, ông chỉ đề cập đến bà Dina Powell - giám đốc điều hành của Goldman Sachs và từng là Phó cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush. Ông Trump cũng bác tin đồn rằng ông chọn con gái Ivanka vào chức vụ này. Cô Ivanka cũng đã lên tiếng khẳng định không nhận vị trí này.

Đọc thêm