Chiến dịch truyền thông “Nhận diện lừa đảo” do Bộ Thông tin và Truyền thông phát động: Chỉ rõ những hình thức lừa đảo “nóng” nhất hiện nay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chiến dịch “Nhận diện lừa đảo” lần đầu tiên được Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền Thông phối hợp cùng Tập đoàn Meta tổ chức tại Việt Nam sẽ tập trung vào 6 trong số 24 hình thức lừa đảo trực tuyến đã được Cục An toàn thông tin xác định là “điểm nóng” tại Việt Nam, giúp người dùng mạng xã hội nâng cao kiến thức về các cách phòng tránh lừa đảo trực tuyến hiệu quả.
Tại Hội thảo Tăng cường khả năng ứng phó tấn công mạng của doanh nghiệp nhiều con số lo ngại về an ninh mạng đã được đưa ra. (Ảnh: XM)
Tại Hội thảo Tăng cường khả năng ứng phó tấn công mạng của doanh nghiệp nhiều con số lo ngại về an ninh mạng đã được đưa ra. (Ảnh: XM)

Lan tỏa bí kíp hay để tự bảo vệ bản thân vấn nạn lừa đảo trên mạng

Tháng 6/2022, theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), Công an tỉnh Hà Nam phát hiện hàng chục nghìn tài khoản Facebook liên tục đăng tải các bài quảng cáo dịch vụ cung cấp kết quả xổ số chuẩn 100%. Sau gần 1 tháng điều tra, các trinh sát đã tìm ra 4 căn hộ chung cư, nơi các đối tượng thuê làm địa điểm đặt gần 170 bộ máy tính chạy liên tục 24/24 giờ để phát tán các bài quảng cáo có nội dung lừa đảo. 12 đối tượng lừa đảo bán kết quả xổ số chuẩn đã bị Công an tỉnh Hà Nam bắt giữ. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, tại cơ quan công an, đối tượng chủ mưu đã khai nhận chiêu trò lừa đảo. “Em đã chụp ảnh kết quả xổ số của ngày hôm trước rồi dùng phần mềm chỉnh sửa ngày giờ cho sát với giờ quay số hàng ngày. Sau đó liên tục đăng lên các trang mạng xã hội để tạo được lòng tin cho các bị hại. Khi mọi người chuyển tiền mua số thì em cắt đứt liên lạc để chiếm đoạt tiền”, một đối tượng khai.

Công an tỉnh Hà Nam cho biết thêm, để lôi kéo, dụ dỗ được nhiều người nhẹ dạ, cả tin, các đối tượng lừa đảo còn dùng chiêu trò nhắn tin cam kết trúng số hay giả làm người mua số, soạn ra rất nhiều tin nhắn có nội dung cảm ơn sau khi trúng số. Sau đó đăng tải các tin nhắn này lên hơn 70.000 tài khoản Facebook. Kết quả điều tra bước đầu, đã có hàng nghìn người ở nhiều địa phương mắc lừa chiêu trò lừa đảo này với tổng số tiền hơn 3 tỷ đồng. Cơ quan công an nhận định những đối tượng lừa đảo bán kết quả xổ số cũng thường mạo danh lãnh đạo, thành viên các Công ty xổ số. Trên thực tế, không ai có thể can thiệp hoặc biết trước kết quả quay số mở thưởng khi hoạt động quay số chưa diễn ra. Tuy nhiên, vẫn có không ít người mắc lừa do sa ngã vào vòng xoáy lô đề cờ bạc.

Lừa đảo xổ số là 1 trong 6 hình thức lừa đảo được Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT xác định là “điểm nóng” tại Việt Nam hiện nay bao gồm: Lừa đảo đầu tư; Lừa đảo việc làm; Lừa đảo tài chính; Lừa đảo cho vay; Lừa đảo xổ số; Lừa đảo mạo danh. Nhằm chia sẻ tới cộng đồng các hình thức phòng tránh lừa đảo trực tuyến, chiến dịch “Nhận diện lừa đảo” lần đầu tiên được Cục An toàn thông tin phối hợp cùng Tập đoàn Meta tổ chức tại Việt Nam. Đồng thời, Chiến dịch cũng nhằm nâng cao kỹ năng nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến, một vấn đề nhức nhối cần sự chung tay giải quyết của nhiều bên từ các cơ quan chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật và tất cả các nền tảng mạng xã hội. Chiến dịch sẽ bao gồm một loạt các hình ảnh và video ngắn về cách nhận diện và xử lý lừa đảo trực tuyến được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội của Meta và kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia của Cục An toàn thông tin cũng như trên website Tư duy thời đại số của Meta. Đặc biệt, chiến dịch cũng sẽ có sự tham gia của các nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng tại Việt Nam, nhằm lan tỏa những bí kíp hay và dễ nhớ để ai cũng có thể học theo và bảo vệ bản thân khỏi những nguy cơ lừa đảo trên môi trường mạng.

“Mạng xã hội là mảnh đất màu mỡ cho các tội phạm mạng thực hiện hành vi lừa đảo, bởi chỉ cần một phút chủ quan, lơ là và thiếu kiến thức, người dân có thể “sập bẫy” bất cứ lúc nào. Với chiến dịch “Nhận diện lừa đảo” phối hợp cùng Meta, chúng tôi đặt mục tiêu trang bị cho mọi công dân số khả năng tự định vị các “bẫy” lừa đảo, nâng cao kỹ năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về lừa đảo trực tuyến là một trong những ưu tiên hàng đầu của Cục An toàn thông tin. Khi mỗi người dân, mỗi đối tượng yếu thế biết được cách nhận diện và cảnh giác hơn với các thủ đoạn lừa đảo, sẽ giúp cho câu chuyện lừa đảo trực tuyến được giảm thiểu phần nào trong thời gian tới” - ông Nguyễn Phú Lương, Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin cho biết tại buổi phát động chiến dịch.

Sự cố an toàn thông tin tại Việt Nam tăng mạnh

Lừa đảo xổ số là 1 trong 6 hình thức lừa đảo được Cục An toàn thông tin - Bộ TT-TT xác định là điểm nóng tại Việt Nam hiện nay

Lừa đảo xổ số là 1 trong 6 hình thức lừa đảo được Cục An toàn thông tin - Bộ TT-TT xác định là điểm nóng tại Việt Nam hiện nay

Ở một góc độ khác, bên cạnh vấn nạn lừa đảo trên mạng đang hoành hành thì sự cố an toàn thông tin tại Việt Nam cũng tăng mạnh. Thời gian gần đây đã xuất hiện một số sự cố bảo mật nghiêm trọng liên quan đến mã hóa dữ liệu, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp về danh tiếng, tài chính. Bất chấp những cảnh báo từ Cục An toàn thông tin, số nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến vẫn có xu hướng gia tăng.

Ngày 25/7 vừa qua, tại Hội thảo “Tăng cường khả năng ứng phó tấn công mạng của doanh nghiệp” do Cục An toàn thông tin và Công ty An ninh mạng toàn cầu Kaspersky đã tổ chức, con số lo ngại đã được đưa ra. Tại Việt Nam, thời gian gần đây đã xuất hiện một số sự cố bảo mật nghiêm trọng liên quan đến mã hóa dữ liệu, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp về danh tiếng, tài chính. Theo đó, hệ thống giám sát kỹ thuật của Cục An toàn thông tin đã ghi nhận 90.033 điểm yếu, lỗ hổng an toàn thông tin của các cơ quan, tổ chức tại Việt Nam trong tháng 6/2024. Từ đầu năm đến nay, số sự cố nghiêm trọng phải xử lý đã tăng gần 60% so với năm 2023.

Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục An toàn thông tin cho biết, tấn công mạng đang được xem là một trong những thách thức hàng đầu mà các tổ chức trong nước và trên thế giới đang phải đối mặt. Trên thế giới, quy mô tấn công mạng đang có xu hướng diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Mục tiêu thường nhắm đến là các lĩnh vực quan trọng, hạ tầng trọng yếu như: Năng lượng, mạng lưới điện, ngân hàng, y tế, tài nguyên môi trường, giao thông, thông tin truyền thông... gây thiệt hại cho nhiều quốc gia.

Tình trạng lộ, lọt dữ liệu cá nhân đang diễn ra phổ biến, đặc biệt là lộ, lọt do thiết bị nhiễm mã độc. Báo cáo của Kaspersky cho thấy, số tài khoản lộ, lọt do nhiễm mã độc tại Việt Nam trong những năm gần đây gia tăng đột biến, riêng năm 2023 gấp 31 lần so với năm 2020. Tình trạng mua bán dữ liệu diễn ra công khai, được tổ chức có hệ thống với sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp phải tăng cường bảo đảm an toàn thông tin phía người dùng hệ thống. Tính đến tháng 6/2024, thông qua việc triển khai Hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia, Cục An toàn thông tin đã ngăn chặn 3.170 website lừa đảo trực tuyến. Bảo vệ hơn 10 triệu người dân không truy cập vào các website lừa đảo, vi phạm pháp luật.

Chiến dịch Nhận diện lừa đảo sẽ tập trung vào 6 trong số 24 hình thức lừa đảo trực tuyến. (Ảnh: TL)

Chiến dịch Nhận diện lừa đảo sẽ tập trung vào 6 trong số 24 hình thức lừa đảo trực tuyến. (Ảnh: TL)

Từ thực tiễn trên cũng như nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác bảo vệ người dân trong các hoạt động trực tuyến, Cục An toàn thông tin đã phối hợp với Kaspersky tổ chức hội thảo, chương trình tập huấn mô phỏng bảo vệ tương tác của Kaspersky (KIPS). Nền tảng KIPS mô phỏng một công ty hoặc tổ chức đang hoạt động, có doanh thu và có chi phí để thực hiện các hoạt động đảm bảo an toàn thông tin. Ban Tổ chức sẽ đưa ra các sự kiện an toàn thông tin, nhiệm vụ của nhóm người tham gia là lựa chọn các hành động đúng đắn, phù hợp nhất để ứng phó, giảm thiểu rủi ro mất an toàn thông tin và thiệt hại tới doanh thu. “Qua diễn tập mô phỏng tương tác, các lãnh đạo và những người chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin sẽ có cái nhìn trực quan và tổng thể về tình hình an toàn thông tin của đơn vị, từ đó đưa ra các hành động đúng đắn và hiệu quả trong bối cảnh an toàn thông tin ngày càng phức tạp hiện nay”, ông Lê Văn Tuấn cho biết.

Theo bà Genie Sugene Gan - Giám đốc phụ trách Quan hệ Chính phủ và Chính sách Công Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản, Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ và châu Phi, chuyển đổi số làm tăng tấn công mạng. Vì vậy, chương trình tập huấn là một trong nhiều sáng kiến Kaspersky đang cung cấp, để tiếp tục hỗ trợ và hợp tác với Bộ TT&TT nâng cao nhận thức về an ninh mạng. Chương trình tập huấn mô phỏng bảo vệ tương tác của Kaspersky có sự tham gia của gần 200 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, với hơn 400 cán bộ, chuyên gia đến từ Mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia.

Đọc thêm