Chiến lược phát triển của Lọc hóa dầu Bình Sơn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sản xuất xăng dầu là một trong những lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN). Do đó, chiến lược phát triển lĩnh vực này cần được vạch ra một cách rõ ràng, nhằm chủ động nguồn cung cho xăng dầu trong nước, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: PVN)
Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: PVN)

Ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cho biết, thời gian tới, BSR sẽ phải đối mặt vô vàn thách thức của quá trình phát triển, đó là sự cạnh tranh, khủng hoảng thừa - thiếu của thị trường năng lượng, biến động địa chính trị một số khu vực… Trong bối cảnh đó, BSR từng bước phát huy trở thành doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực chế biến dầu khí. “BSR đã xây dựng đội ngũ chuyên gia, kỹ sư giỏi, là nơi cung cấp nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực khâu sau của PVN” - Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Dương nói.

Theo phân tích của lãnh đạo BSR, về chính sách, sau khi có Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” (Nghị quyết 41) thì mới đây Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết 26) cũng được ban hành. Những nghị quyết này đã chỉ rõ ngành Dầu khí phải có những bước chuyển mình mạnh mẽ và BSR cũng phải chuyển mình theo xu hướng đó.

Điều cần lưu ý, Nghị quyết 26 định hướng lấy Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất là hạt nhân, xây dựng NMLD Dung Quất là Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại tỉnh Quảng Ngãi. Trên cơ sở đó, BSR cũng sẽ đánh giá cơ hội đầu tư, tận dụng lợi thế hạ tầng để đón đầu các xu hướng mới, tận dụng hạ tầng sẵn có của NMLD Dung Quất làm trục trung tâm phát triển hóa dầu và năng lượng. “Để thực hiện chiến lược phát triển trong tương lai, BSR đã thuê tư vấn nước ngoài lập Đề án Chiến lược phát triển BSR đến năm 2030, tầm nhìn 2045” - lãnh đạo BSR nói.

Nội dung đề án là xây dựng và phát triển BSR trở thành công ty năng lượng tích hợp hàng đầu khu vực, nòng cốt của Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại tỉnh Quảng Ngãi; Đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nộp ngân sách nhà nước và tỉnh Quảng Ngãi; đóng góp tích cực vào việc đạt được các mục tiêu cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Theo nội dung đề án, đến năm 2030, BSR đẩy mạnh và hoàn thành Dự án Nâng cấp và Mở rộng NMLD Dung Quất (dự kiến hoàn thành trong năm 2028); đẩy mạnh phát triển hóa dầu. Đến 2045, BSR nâng công suất toàn nhà máy lên khoảng 9,3 triệu tấn... Đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực hóa dầu, các dự án tăng hiệu quả kinh tế và giảm phát thải carbon. Với tầm nhìn đặt ra tới năm 2045 của BSR là: “Công ty năng lượng tích hợp hàng đầu châu Á vì mục tiêu phát triển bền vững”.

Đánh giá cao chiến lược phát triển của BSR, TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam cho rằng, phải tận dụng cơ hội từ chính sách là Nghị quyết 26. Trong đầu tư, nên có ý tưởng hợp tác đầu tư sâu rộng với nước ngoài trong các dự án hóa dầu của BSR nhằm chia sẻ rủi ro và tận dụng lợi thế công nghệ từ các tập đoàn năng lượng lớn nước ngoài. “BSR cần cập nhật thêm giải pháp cho chiến lược đến năm 2045. Bên cạnh đó, lợi thế của BSR là có NMLD Dung Quất hiện hữu với lực lượng lao động có tay nghề, giàu kinh nghiệm trong vận hành NMLD”, ông Nguyễn Quốc Thập nói và gợi ý thêm rằng, nếu BSR thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phát triển sẽ là cơ sở thực tiễn để ứng dụng các giải pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Đọc thêm