Chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá của các tỷ phú Mỹ

(PLVN) - Ít người biết rằng, đằng sau các chính sách kiểm soát thuốc lá toàn cầu là Quỹ từ thiện của Michael R. Bloomberg và vợ chồng tỷ phú Bill & Melinda Gates, cùng các tổ chức phi chính phủ và mạng lưới rộng khắp của các tổ chức này tại nhiều quốc gia.
Billgate và Bloomberg cam kết chi hơn 1 tỷ đô la Mỹ cho hoạt động chống thuốc lá toàn cầu
Billgate và Bloomberg cam kết chi hơn 1 tỷ đô la Mỹ cho hoạt động chống thuốc lá toàn cầu

Chi hơn 1 tỷ USD, hai tỷ phú này đã và đang đóng góp gì cho cuộc chiến chống thuốc lá toàn cầu hay ngay tại quốc gia của họ là nước Mỹ?

Từ năm 2007, Bill Gates và Michael Bloomberg cam kết chi gần 1,3 tỷ USD cho các hoạt động chống thuốc lá toàn cầu. Tính đến năm 2016, chiến dịch hạn chế sử dụng thuốc lá của Quỹ Bloomberg đã tài trợ 59 quốc gia thông qua các luật định và chính sách về kiểm soát thuốc lá.

Chương trình Phòng chống Tác hại Thuốc lá của Quỹ Bill & Melinda Gates (Bill & Melinda Gates Foundation’s Tobacco Control) tài trợ hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá tại hơn 30 quốc gia châu Á và châu Phi và Liên minh Phòng chống Tác hại Thuốc lá Đông Nam Á SEATCA, bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia và Philippines.

Hoạt động của hai Quỹ Michael Bloomberg và Bill & Melinda Gates thông qua tổ chức phi chính phủ như SEATCA; Campaign for Tobacco-Free Kids có trụ sở tại Washington, Mỹ; Vital Strategies đặt tại nhiều thành phố lớn như New York, Paris, Jina (Trung Quốc), São Paulo (Brazil) và Singapore; hay Tobacco-free Union; cùng với mạng lưới rộng khắp của các tổ chức này tại nhiều quốc gia, đặc biệt là khu vực châu Á. 

Michael Bloomberg và Bill & Melinda Gates được biết đến như là những nhân tố có ảnh hưởng lớn tới việc thực thi các chính sách liên quan tới thuốc lá của nhiều nước, từ việc vận động tăng thuế thuốc lá tới các phi vụ kiện tụng liên quan tới các công ty thuốc lá, bao gồm gần 200 luật lệ và chính sách quốc gia kiểm soát thuốc lá (số liệu năm 2014).

Đến nay, nhiều chính sách phòng chống thuốc lá đã được áp dụng dưới nhiều hình thức ở các nước: tăng thuế, giới hạn kinh doanh và quảng cáo, yêu cầu nhãn hiệu có hình ảnh và thông điệp cảnh báo, giới hạn những địa điểm cho phép hút thuốc,giới hạn độ tuổi…

Mặc dù vậy, thống kê cho thấy, chỉ 8% người hút thuốc lá trên thế giới có thể cai nghiện được thành công (trong khi đó tỷ lệ cai nghiện cocain là 45%). Kết quả này khiến nhiều chuyên gia y tế đặt câu hỏi, tốn rất nhiều tiền như vậy, nhưng thực sự những chương trình này đã thật sự toàn diện và hiệu quả cho sức khỏe cộng đồng?

Giới chuyên gia phân tích, Michael Bloomberg và Bill & Melinda Gates cùng các tổ chức phi chính phủ trong mạng lưới của hai Quỹ này đang quá tập trung vào việc cố gắng buộc người hút thuốc phải cai hút thuốc thông qua việc chỉ trích và xử phạt, trong khi đó lại thiếu đi những chính sách hiệu quả hướng đến việc tạo ra thêm nhiều lựa chọn giảm thiểu tác hại cho người dùng mà đại đa số không thể cai được thuốc lá.

Các chuyên gia cũng cho rằng, đã có nhiều nước trên thế giới, đơn cử như Anh, Na Uy, Nhật Bản… đang thực thi các chính sách phù hợp bằng các phát kiến khoa học giảm thiểu tác hại cho người hút thuốc lá lâu năm không thể hoặc không muốn từ bỏ việc hút thuốc. 

GS. David Sweanor, một chuyên gia y tế cộng đồng, kiêm Luật sư và Chủ tịch Ban Cố vấn khoa Luật Y tế, Chính sách và Đạo đức của Đại học Ottawa cho biết, từ những năm 1970 người ta đã biết rằng khói của thuốc lá điếu đốt cháy là nguyên nhân gây ra hàng nghìn ca tử vong trong số những người hút thuốc lá.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), được cho là có quan niệm khá cứng rắn đối với cuộc chiến thuốc lá, mới đây đã công nhận rằng, nicotin được cung cấp thông qua những sản phẩm khác nhau sẽ có vị trí khác nhau trên chuỗi nguy cơ từ thấp đến cao, trong đó sản phẩm cung cấp nicotin gây hại nhất chính là thuốc lá điếu đốt cháy.

Ngay nước sở tại của Michael Bloomberg và Bill & Melinda Gates là Mỹ, Cơ quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ (FDA) đến nay đã cho phép một số sản phẩm nicotin thay thế được kinh doanh là Sản phẩm Thuốc lá Điều chỉnh Nguy cơ – Giảm thiểu Rủi ro (MRTP_Modified-risk tobacco product), bao gồm: 8 dòng sản phẩm snus (Thụy Điển) và sản phẩm IQOS (thuốc lá làm nóng của Công ty Philip Morris International - PMI). 

Việc áp dụng khoa học vào quản lý tác hại thuốc lá thay vì cấm đoán đã dần được giới khoa học, Chính phủ các nước tiên tiến công nhận. Nên chăng, thay vì chỉ tập trung vào việc cố gắng buộc người hút thuốc phải cai hút thuốc thông qua việc chỉ trích và xử phạt, Michael Bloomberg và Bill & Melinda Gates cùng các tổ chức phi chính phủ trong mạng lưới của hai Quỹ này nên đầu tư với chiến lược toàn diện, thực tế hơn, dựa trên bằng chứng khoa học, nguyện vọng của người hút và hướng tới việc cung cấp thông tin về thành phần hóa học của các loại thuốc lá để người hút thuốc có thể tự mình đánh giá nguy cơ.

Đồng thời ủng hộ việc thiết lập khung pháp lý có phân biệt giữa các sản phẩm khác nhau dựa trên mức độ nguy cơ khác nhau, nhằm đến mục đích cuối cùng là giảm thiểu tác hại của khói thuốc lá đối với chính người hút và cộng đồng xung quanh.