Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930-1954) do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò phối hợp tổ chức diễn ra hôm nay tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt –Xô.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân |
Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyên Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan…, lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và TP. Hà Nội.
Nhà lao Trung ương (Maison Centrale) mà nhân dân ta quen gọi là Nhà tù Hỏa Lò (do thực dân Pháp xây dựng tại Hà Nội từ năm 1896 đến năm 1901) là nhà tù khét tiếng về sự dã man, tàn bạo. Suốt hơn nửa thế kỷ, từ năm 1896-1954, giám thị, mật thám, cảnh sát… của thực dân Pháp đã dùng những thủ đoạn tàn ác nhất, vô nhân đạo nhất với những tù nhân cách mạng. Người tù bị cùm suốt ngày đêm trong cảnh tối tăm, hôi thối.
Các cựu tù Hỏa Lò chụp ảnh lưu niệm
Những người bị giam lâu ở ngục tối khi ra khỏi ngục đều không lê nổi đôi chân, mắt lòa không nhìn rõ mọi vật, cánh tay không nhấc được lên cao, bàn tay không cầm nổi đôi đũa. Trong cuộc đấu tranh khốc liệt giữa các chiến sĩ cách mạng và kẻ thù thù tại nhà lao Hỏa Lò có khoảng 200 chiến sỹ hy sinh. Người bị chúng chém đầu, xử bắn, người bị chúng đánh đập, tra tấn, đọa đầy, bỏ đói, cho ăn cơm mục, cá thối sinh bệnh kiết lỵ và nhiều bệnh tật khác mà vĩnh viễn ra đi...
Ông Tạ Quốc Bảo, Trưởng ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò cho biết: Những người tù đầu tiên của Hỏa Lò được chuyển đến từ nhà tù phố Mã Mây. Tiếp đó là những yếu nhân trong tổ chức Đông Kinh nghĩa thục(1907) như Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc… và những thành viên của phong trào Đông Du, Duy Tân (1906-1908) do Phan Bội Châu lãnh đạo.
Năm 1925, cụ Phan Bội Châu cũng bị giam cầm ở Hỏa Lò. Những chiến sĩ tham gia vụ Hà Thành đầu độc(1908), nghĩa quân Đề Thám, các yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu… cũng bị giam tại Hỏa Lò. 7 người đứng đầu vụ ám sát tên tuần phủ Nguyễn Duy Hàn và ném bom giết sĩ quan Pháp tại Khách sạn Hà Nội đã bị kẻ địch chém đầu ngay trước cổng Hỏa Lò để đe dọa dân chúng.
Những năm 30 của thế kỷ trước, Nhà tù Hỏa Lò trở thành nơi giam giữ các đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Những đảng viên cộng sản đầu tiên bị giam giữ tại Nhà tù Hỏa Lò là các cán bộ lãnh đạo nổi tiếng của Đảng ta như Nguyễn Phong Sắc, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Tô Hiệu, Tống Văn Trân, Trịnh Đình Cửu, Lê Văn Lan, Lê Duẩn, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng… Đảng viên trẻ tuổi nhất Nguyễn Hoàng Tôn đã bị chặt đầu ngay trước cổng Hỏa Lò khi anh mới 17 tuổi.
Hỏa Lò là địa ngục trần gian nhưng sự tàn bạo của kẻ thù không ngăn được tinh thần tự tôn dân tộc. Những người tù cộng sản quyết biến nơi kẻ địch giam cầm mình thành “trường học cách mạng”. Nhiều tờ báo viết tay như các báo “Lao tù tạp chí” và “Đời tù”, “Tiếng tù” đã được lưu hành để tuyên truyền giác ngộ quần chúng, vạch trần tội ác của đế quốc, kêu gọi đoàn kết đấu tranh. Ngay từ năm 1931, trong nhà lao đã có Chi bộ Đảng Cộng sản bí mật thành lập để lãnh đạo chống lại sự kìm kẹp của thực dân Pháp.
Dù nhà tù xây dựng kiên cố, canh gác rất cẩn mật nhưng đã có nhiều cuộc vượt ngục thành công. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), lợi dụng sơ hở của địch, đã có 150 người tù cộng sản nam nữ vượt ngục thành công bằng nhiều cách khác nhau. Đợt vượt ngục này đã tạo nguồn bổ sung cán bộ vô cùng quý giá cho Đảng ta, góp phần vào thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Nhà lao Hỏa Lò còn là nơi 5 Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tôi luyện, trưởng thành: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười cùng rất nhiều Ủy viên Bộ Chính trị như Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Cơ Thạch, Trần Quốc Hoàn, Lê Thanh Nghị, Lê Đức Thọ. Trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khóa III có 78 Ủy viên là cựu tù chính trị Hỏa Lò.
Hỏa Lò chỉ vĩnh viễn không còn là công cụ đàn áp của thực dân Pháp từ ngày 10/10/1954, ngày Thủ đô được hoàn toàn giải phóng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Quang Nghị-Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: Việc phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò (1930-1954) chính là sự tôn vinh phẩm chất cách mạng kiên trung, bất khuất, cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc của các chiến sĩ cách mạng bị bị địch bắt, tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò.
Qua đó, giáo dục cho cán bộ, Đảng viên, nhân dân, lực lượng vũ trang và thế hệ trẻ hiện nay lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, ý chí cách mạng tiến công, ra sức phấn đấu góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Lam Hạnh