Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, ngày 9/7, tại tỉnh Nghệ An, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968 - Tầm vóc và bài học lịch sử”.
Sau 177 ngày đêm (20/1 đến 15/7/1968) chiến đấu liên tục, chiến dịch kết thúc. Kết quả, Quân đội nhân dân Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 12 nghìn quân địch (chủ yếu là Mỹ), bắn rơi và phá hủy hàng trăm máy bay cùng nhiều vũ khí.
Trong tham luận về chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Lịch sử quân sự Việt Nam cho rằng, các đơn vị tham gia đã thực hành nhiều hình thức chiến thuật để đạt được mục tiêu lớn.
Nổi bật là dùng phương pháp tiến công hiệp đồng binh chủng để tiêu diệt cứ điểm riêng lẻ trong thời gian ngắn, hay như chiến thuật vây hãm, vây lấn, xây dựng trận địa bám trụ dài ngày dưới hỏa lực máy bay Mỹ. Bộ đội cũng sử dụng chiến thuật chốt kết hợp vận động tiến công để đánh quân Mỹ đổ bộ đường không ngay khi họ tiếp đất…
Cách đây tròn 50 năm, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị; Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đã quyết định mở Chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh, nhằm nghi binh chiến lược, thu hút, giam chân, tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận chủ lực quân Mỹ - Ngụy. Đòn nghi binh chiến lược này đã giành thắng lợi to lớn, cả về chính trị và quân sự; góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, làm thay đổi cục diện chiến trường, đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam sang giai đoạn mới.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khẳng định: “Chiến thắng này là kết quả của đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiêu biểu cho trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần chiến đấu kiên cường, anh dũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đặc biệt là các lực lượng trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong suốt chiến dịch; thể hiện sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa hậu phương với tiền tuyến; đồng thời, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Chiến thắng mang tầm vóc và ý nghĩa chiến lược quan trọng, gây chấn động nội tình nước Mỹ và thế giới, viết nên “một câu chuyện thần kỳ”, góp phần đảo lộn thế chiến lược của địch trên chiến trường, giáng đòn nặng nề vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Nhà Trắng, trở thành biểu tượng sức mạnh, ý chí quyết tâm và lòng tự hào của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.
Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được gần 80 báo cáo, tham luận của các cơ quan Trung ương, các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các địa phương, các tướng lĩnh, sĩ quan, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Các tham luận khoa học đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc xoay quanh chủ đề Hội thảo, tiếp tục khẳng định và làm rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương, sự kịp thời linh hoạt và kiên quyết trong chỉ đạo, điều hành chiến dịch, nghệ thuật chỉ huy tác chiến của các lực lượng vũ trang, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí sáng tạo của các lực lượng tham gia chiến dịch.
Hội thảo cũng làm rõ âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt, bản chất hiếu chiến ngoan cố của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong việc thiết lập phòng tuyến Đường 9 - Khe Sanh nhằm ngăn chặn nguồn chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam qua tuyến vận tải Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Quân Mỹ tháo chạy trước hỏa lực của Quân Giải phóng tại Khe Sanh. |
Trong bản tham luận “Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh 1968 với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN) trong giai đoạn hiện nay”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh: “Đây là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống của dân tộc, về những ngày tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước; đồng thời, nhận thức sâu sắc hơn về những bài học kinh nghiệm đã làm nên thắng lợi của chiến dịch để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, có hiệu quả vào quá trình xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng; thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”.
Theo ông Lịch, thắng lợi của Chiến dịch không chỉ có ý nghĩa chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã nêu 5 bài học kinh nghiệm từ thắng lợi của Chiến dịch gồm: Một là, bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo, chủ động nắm vững tình hình, lựa chọn chính xác mục tiêu, địa bàn chiến dịch và khu vực (hướng) tác chiến chủ yếu; Hai là, bài học về quán triệt tư tưởng liên tục tiến công, nêu cao ý chí quyết tâm chiến đấu, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị; Ba là, bài học về xác định chính xác phương châm chỉ đạo tác chiến, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật để giành thắng lợi; Bốn là, bài học về tổ chức sử dụng lực lượng, phối hợp chặt chẽ giữa các chiến trường; Năm là, bài học về phát huy vai trò hậu phương chiến tranh nhân dân và công tác bảo đảm hậu cần chiến dịch.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch khẳng định: “Để phát huy sức mạnh của hậu phương chiến tranh nhân dân, cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các đoàn thể, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân là nòng cốt phải thấm nhuần đường lối, chủ trương của Đảng; phải coi trọng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở các bộ, ngành Trung ương và địa phương, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, đảng viên và toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng tiềm lực và thế trận khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc trên từng địa bàn chiến lược, xây dựng “thế trận lòng dân”, nhằm huy động và phát huy cao độ sức mạnh toàn dân trong bảo vệ Tổ quốc. Phát huy sức mạnh toàn dân, toàn xã hội, với thế trận quốc phòng toàn dân phải được chuẩn bị từ thời bình, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi có chiến tranh xảy ra, bảo đảm giành thắng lợi trong mọi tình huống”.
“50 năm, sau ngày giải phóng, từ trong hoang tàn đổ nát do hậu quả chiến tranh để lại, Hướng Hóa đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, ra sức kiến thiết, xây dựng và phát triển quê hương khá toàn diện, nhờ vậy mà đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện. Đường 9 - Khe Sanh một thời hoa lửa, giờ đây đã trở thành con đường của hội nhập và phát triển trên tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây”- ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhấn mạnh tại buổi lễ.