Cùng với cuộc bỏ phiếu tín nhiệm bà May này còn có việc ấn định thời gian Quốc hội Anh thông qua thoả thuận giữa Chính phủ Anh và EU về xử lý mọi khía cạnh liên quan đến việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit) trước ngày 21/1 năm tới. Như thế có nghĩa là bà May được dành cho cơ hội mới để xử lý chuyện Brexit, nhưng đồng thời cũng lại bị đưa ra tối hậu thư.
Như thế có nghĩa là bà May đã chiến thắng trong trận tranh đấu quyền lực này. Nguyên do là bất đồng quan điểm trong nội bộ đảng cầm quyền về thoả thuận giữa Chính phủ của bà May với EU về Brexit, nhưng trong bản chất thật sự thì đấy lại là cuộc đấu tranh quyền lực giữa các phe phái trong Đảng Bảo thủ Anh.
Như thế cũng còn có nghĩa là cuộc dền dứ giữa Chính phủ của bà May và EU về thỏa thuận cho Brexit sẽ vẫn tiếp diễn. Bà May đã phải trả cái giá rất đắt, nếu như không muốn nói là quá đắt, cho chiến thắng này và hiện khách quan mà nói thì không ai dám chắc là bà May sẽ có thể trả được cái giá ấy.
Trước tiên là cam kết của bà May giành giật với EU một số chỉnh sửa và bổ sung cho thoả thuận về Brexit vừa mới đạt được, tức là phải có đàm phán lại với EU về Brexit. EU đã thẳng thừng bác bỏ khả năng này. Không đàm phán lại được với EU thì bà May không có được thoả thuận mới mà thoả thuận cũ thì đã chắc chắn không thể nào được Quốc hội Anh thông qua.
Cái cay đắng tiếp theo ở chiến thắng này của bà May là có tới hơn một phần ba số dân biểu của Đảng Bảo thủ trong Nghị viện muốn bà May ra đi. Nội bộ đảng cầm quyền phân rẽ đến như thế và vị thế của Thủ tướng yếu như thế nên bà May hiện mới chỉ thoát hiểm chứ chưa thoát nạn và đoạn kết của câu chuyện về Brexit vẫn còn để ngỏ.