Chiều nay, QH bầu Chủ tịch nước

Chiều nay 25/7, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước. Ngay sau khi nhậm chức, Chủ tịch nước sẽ trình bày Tờ trình giới thiệu danh sách đề cử để Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC. Chiều mai - 26/7, theo chương trình, Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng Chính phủ.

Chiều nay 25/7, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước. Ngay sau khi nhậm chức, Chủ tịch nước sẽ trình bày Tờ trình giới thiệu danh sách đề cử để Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC. Chiều mai, theo chương trình, Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh: Trần Mạnh Tuấn

Trước đó, cuối tuần qua, với 457 phiếu tán thành, chiếm 91,4%, ông Nguyễn Sinh Hùng đã được các đại biểu Quốc hội nhất trí bầu giữ chức danh Chủ tịch Quốc hội khóa XIII.

Phát biểu trên cương vị mới, tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã cám ơn các đại biểu Quốc hội vì sự tín nhiệm họ đã dành cho ông. Chủ tịch cam kết: “Tập thể Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII và cá nhân sẽ kế thừa những thành quả, kinh nghiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa trước, nỗ lực phấn đấu cùng các vị đại biểu Quốc hội đoàn kết, thống nhất, tiếp tục đổi mới, phát huy trí tuệ, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân để thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp và pháp luật qui định, góp phần xây dựng Quốc hội xứng đáng với vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ luôn rèn luyện phẩm chất cách mạng, đạo đức lối sống, nâng cao trình độ năng lực công tác; kiên quyết phòng chống quan liêu, tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đồng thời, sẽ gắn bó với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, thực sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức hữu quan, sự ủng hộ của cử tri cả nước, của đồng bào ta ở nước ngoài, của Quốc hội, nhân dân các nước vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.

Cùng với chức danh Chủ tịch Quốc hội, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội khóa mới được bầu là các ông bà: Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn. Cùng đó, Quốc hội cũng đã bầu 12 Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Riêng vị trí Trưởng Ban dân nguyện Quốc hội còn khuyết do cả hai ứng viên đều không đạt số phiếu bầu quá bán

Cuối tuần qua, Quốc hội cũng đề cử ông Trương Tấn Sang vào vị trí Chủ tịch nước và chiều nay (25/7) sẽ tiến hành bầu

Vào chiều mai (26/7) cùng với bầu Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội sẽ bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC.

Trong tuần này, các công việc quan trọng khác của Quốc hội cũng là về công tác nhân sự. Theo đó, Quốc hội thảo luận, quyết định số Phó Chủ tịch và số Ủy viên Hội đồng dân tộc; số Phó Chủ nhiệm và số Ủy viên của mỗi Ủy ban của Quốc hội; số thành viên của Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội; Quốc hội bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng dân tộc; Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên của mỗi Ủy ban của Quốc hội; Trưởng Đoàn thư ký và các Thư ký kỳ họp Quốc hội; miễn nhiệm Tổng kiểm toán nhà nước…

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải: “Không phải Chính phủ muốn duy trì độc quyền điện”

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội cuối tuần qua xung quanh việc độc quyền của EVN trong cung ứng điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, việc huy động vốn trong và ngoài nước đầu tư cho ngành điện đều rất khó khăn.

Hiện tại, theo Phó Thủ tướng, ta vẫn chưa hình thành được những đơn vị mới thu hút vốn đầu tư dự án được mà đã yêu cầu “giải quyết” tổ chức cũ thì không biết lấy đâu đáp ứng nhu cầu điện. Không phải Chính phủ muốn duy trì độc quyền điện mà vấn đề ở chỗ để giảm dần độc quyền của Nhà nước, cần phải tăng yếu tố thị trường lên.

Việc gì thị trường không làm được, tư nhân không làm được thì Nhà nước phải làm. Muốn rút vai trò Nhà nước, phải có thể chế đầy đủ và tư nhân cũng sẵn sàng. Mà tư nhân chỉ sẵn sàng khi cơ chế giá bán điện "chịu" được. Chỉ khi tư nhân tham gia thì Nhà nước mới dần giảm đi, nếu rút luôn thì không lấy gì cung cấp điện.

Trước nhu cầu điện ngày càng tăng, vốn cũng nhiều hơn, Phó Thủ tướng cho rằng dù sao giá bán điện cạnh tranh cũng có tiềm năng lớn là mở ra thị trường, mở ra cơ chế điều chỉnh giá điện để dần dần tiếp cận với thị trường. Đó là lời giải cho bài toán khó về vốn. Nhưng việc này cũng còn tùy thuộc nhiều vào điều kiện thị trường để có thể thực hiện được những bước đi như vậy.

Liên quan đến việc thực hiện Tổng sơ đồ điện 7, Phó Thủ tướng cho biết  cũng khó khăn ở khâu huy động vốn, năng lực chủ đầu tư, giải phóng mặt bằng…

Thu Hằng

Đọc thêm