Số liệu công bố cho thấy kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao bất thường trong Quý 3, với mức tăng trưởng 7,46%, cao nhất trong vòng 7 năm qua, cao hơn nhiều so với quý trước (6,17%) cũng như cùng kỳ các năm trước (2015: 6,87%, 2016: 6,56%). Còn nếu tính chung 9 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 6,41%, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2016 (6,0%) tuy vẫn thấp hơn một chút so với năm 2015 (6,5%).
Cao nhất 7 năm qua
Theo VEPR, khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 7,25% trong ba quý đầu năm, liên tục gia tăng trong các năm từ 2015-2017. Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp cũng cho thấy rõ sự phục hồi so với năm 2016. Tăng trưởng khu vực này trong 9 tháng đầu năm đạt 2,78%, cao hơn nhiều so với mức tăng của năm ngoái và cũng cao hơn đáng kể so với mức 2,08% của năm 2015. Trong khi đó, tăng trưởng khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục thấp hơn so với cùng kỳ hai năm trước đó, đặc biệt thấp hơn đáng kể so với năm 2015 (2015: 9,72%; 2016: 7,68%; 2017: 7,17%).
Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu thụ đều đã vượt mức trung bình của năm 2016, cho thấy mức sụt giảm hồi đầu năm chỉ mang tính chất tạm thời. Cụ thể, tới hết tháng 9, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,9%, cao nhất kể từ đầu năm 2016 đến nay. Tương tự như vậy, chỉ số tiêu thụ liên tiếp được cải thiện, đạt mức tăng trưởng 9,8% tính đến hết tháng 8. Trong khi đó, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp giảm nhẹ trong quý, xuống còn 9,9% vào tháng 8.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR cho rằng, mức tăng trưởng cao trong Quý 3 phần nào cho thấy kết quả của hàng loạt các biện pháp và chỉ thị quyết liệt của Chính phủ đối với các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua. “Với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp như tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận tín dụng đối với cả hộ gia đình và các doanh nghiệp và đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; đồng thời đặt ra mục tiêu, chỉ tiêu, kịch bản tăng trưởng đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực.” - ông Thành nhấn mạnh.
Không bền vững?
Theo VEPR, mức tăng trưởng cao cùng với sự ổn định của tỷ giá và mặt bằng lãi suất có dấu hiệu giảm là những kết quả tích cực đạt được trong Quý 3, tạo không gian cho các hoạt động kinh tế vào Quý 4.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành, về cơ cấu tăng trưởng, xuất siêu của khu vực FDI đang phải bù đắp cho nhập siêu của khu vực trong nước, cho thấy sự lệ thuộc về xuất khẩu vào khu vực FDI. Ngoài ra, số việc làm tạo mới trong Quý 3 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, kéo dài chuỗi suy giảm kể từ tháng 4/2017. Tín hiệu này đặt ra yêu cầu đánh giá toàn diện chất lượng tăng trưởng, vì mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng vẫn là tạo việc làm, chứ không phải nằm ở con số.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng các biện pháp và chỉ thị mà Chính phủ đưa ra mới chỉ mang tính ngắn hạn, vì chưa hướng đến các nền tảng cơ bản của tăng trưởng kinh tế như năng suất lao động hay sức sản xuất của nền kinh tế. TS. Lê Đăng Doanh lo ngại: Yếu tố nợ công, yếu tố bội chi ngân sách và các công trình đầu tư kém hiệu quả đang tác động xấu tới nền kinh tế. “Hơn nữa, đầu tư công chậm, cổ phần hóa như trong năm nay cũng sẽ hạn chế rất nhiều tốc độ tăng trưởng trong những năm tới đây. Và cũng không phát huy được yếu tố của nền kinh tế là sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong nước”- TS. Doanh nhấn mạnh.
PGS.TS. Phạm Thế Anh (Đại học Kinh tế Quốc dân) cảm thấy định hướng chính sách của Chính phủ hiện nay đang có một số vấn đề. Đặc biệt là việc theo đuổi một số mục tiêu không thực tế. Ví dụ như mục tiêu theo đuổi tăng trưởng tín dụng hay thúc ép thúc đẩy đầu tư công để đạt tăng trưởng cao.
Chuyên gia này cho rằng, tăng trưởng trong quý 3 đã được 7,46 rồi, vì thế trong quý 4, Việt Nam chỉ cần đạt tốc độ tăng trưởng 7,31% là sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7%. Ông Anh nói rằng, từ trước tới nay ở Việt Nam, ngoài năm 2008, còn chưa có năm nào mà tăng trưởng úy 4 thấp hơn quý 3.
“Vì thế, mục tiêu tăng trưởng cả năm gần như đạt được rồi. Nhưng tôi mong khi đạt được rồi, Chính phủ sẽ bớt theo đuổi những chính sách ngắn hạn để tập trung cho các chính sách dài hạn cho nền kinh tế trong tương lai hơn. Tăng trưởng quý 3 là điểm sáng nhưng nếu các nhà hoạch định chính sách lầm tưởng rằng tăng trưởng cao trong quý 3 là do các chính sách ngắn hạn mang lại và theo đuổi nó thì sẽ mang lại rất nhiều rủi ro cho nền kinh tế.” - TS. Anh cảnh báo.
Mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng là tạo việc làm không phải con số
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành: Về cơ cấu tăng trưởng, xuất siêu của khu vực FDI đang phải bù đắp cho nhập siêu của khu vực trong nước, cho thấy sự lệ thuộc về xuất khẩu vào khu vực FDI. Ngoài ra, số việc làm tạo mới trong Quý 3 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, kéo dài chuỗi suy giảm kể từ tháng Tư 2017. Tín hiệu này đặt ra yêu cầu đánh giá toàn diện chất lượng tăng trưởng, vì mục tiêu cuối cùng của tăng trưởng vẫn là tạo việc làm, chứ không phải nằm ở con số.