Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm trước thực trạng cai nghiện “chui”

Bà Đỗ Thị Ninh Xuân - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ -TB-XH) trao đổi những vấn đề liên quan đến thực trạng một số cơ sở tư vấn, điều trị cai nghiện ma tuý “chui”, thực chất là để bán thuốc cai nghiện không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, đang bị “thả nổi”.

[links()]Bà Đỗ Thị Ninh Xuân - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ -TB-XH) trao đổi những vấn đề liên quan đến thực trạng một số cơ sở tư vấn, điều trị cai nghiện ma tuý “chui”, thực chất là để bán thuốc cai nghiện không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân, đang bị “thả nổi”.

 

- Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện rất nhiều trung tâm tư vấn, cai nghiện ma tuý. Thế nhưng ở mỗi trung tâm, cơ sở lại có cách thức điều trị khác nhau. Xin bà cho biết, tại sao lại có sự khác biệt như đó?

- Theo các quy định của pháp luật hiện hành về các trung tâm cai nghiện có hai loại đó là các trung tâm cai nghiện do Nhà nước quản lý và các trung tâm cai nghiện tự nguyện do các tổ chức chính trị - xã hội, cá nhân thành lập theo Nghị định 147/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép và quản lý hoạt động của các cơ sở cai nghiện ma tuý tư nhân. Đối với các trung tâm cai nghiện do Nhà nước quản lý có hai chức năng vừa tiếp nhận các đối tượng vào cai nghiện bắt buộc đồng thời cũng tiếp nhận vào cai nghiện tự nguyện.

Ở những trung tâm này đều có các phương pháp giáo dục, đào tạo bài bản, liệu trình điều trị cụ thể, được giám sát, quản lý về mặt chuyên môn của Bộ Y tế và về mặt tổ chức của Bộ LĐ-TB-XH. Với những cơ sở, trung tâm cai nghiện do các tổ chức, cá nhân thành lập được thực hiện các giai đoạn của quy trình cai nghiện khác nhau. Đa số các trung tâm loại này đều thực hiện cắt cơn là chính trừ trung tâm cai nghiện Thanh Đa ở TP.HCM, họ làm đầy đủ quy trình như triển khai hoạt động phục hồi nhân cách, giáo dục thể chất..., những đối tượng cai nghiện ở đó khoảng thời gian từ 1 đến 2 năm.

- Vậy cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép hoạt động đối với những cơ sở trên và điều kiện được cấp phép phải đảm bảo đầy đủ những yếu tố pháp lý gì?

- Tất cả các trung tâm cai nghiện thành lập theo Nghị định 147 của Chính phủ sẽ do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cấp phép hoạt động sau khi được Bộ Y tế kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện mới được phép hoạt động.

- Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện xuất hiện một số cơ sở tư vấn, cai nghiện ma tuý không có biển hiệu rõ ràng. Cơ quan nào quản lý và chịu trách nhiệm chính đối với sự việc trên, thưa bà?

- Hiện nay trên địa bàn cả nước có 123 trung tâm, cơ sở cai nghiện ma tuý nói chung và trên địa bàn Hà Nội hiện có 2 cơ sở nói riêng (Tung tâm cai nghiện Bạch Đằng và Trung tâm cai nghiện Nhân Hòa, hiện tại trung tâm Nhân Hòa đã hết phép hoạt động. Theo như phản ánh, có thể hiểu một khi đã hết giấy phép mà vẫn hoạt động thì đó là những trung tâm, cơ sở cai nghiện “chui” vì trên thực tế chưa được cấp giấy phép hoạt động.

Cũng theo quy định của pháp luật, Bộ LĐ-TB-XH ban hành những văn bản quản lý nhà nước về công tác cai nghiện còn thực hiện đồng bộ đòi hỏi sự vào cuộc của cả cộng đồng. Đặc biệt là cấp chính quyền, đoàn thể các ban, ngành địa phương. Do vậy, để tồn tại như trên thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm chính. Bởi họ có thể thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để thanh, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm.

- Trên thực tế, các cơ sở cai nghiện sử dụng rất nhiều loại thuốc khác nhau để cắt cơn, chống tái nghiện. Vậy làm thế nào để quản lý chất lượng thuốc tại các trung tâm, cơ sở, đặc biệt là những cơ sở cai nghiện “chui” có thể xảy ra và gây ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng thưa bà?

- Hiện tại các danh mục thuốc (loại thuốc hướng thần) dùng trong hoạt động cai nghiện được Bộ Y tế ban hành và quản lý chặt chẽ. Ngoài 3 loại nhóm thuốc hỗ trị điều trị cai nghiện và chống tái nghiện như thuốc Bông Sen, Cedemex, Danapha-Natrex còn có phương pháp hỗ trợ cai nghiện bằng điện châm ở Viện châm cứu Trung ương và các bệnh viện y học cổ truyền.

Có thể thấy hoạt động cai nghiện ma tuý là đặc thù riêng của ngành y tế vì liên quan trực tiếp đến con người. Để hoạt động này có hiệu quả rất cần sự quan tâm hơn nữa của ngành y tế, mặc dù Bộ Y tế đã có các tiêu chí về xác định người nghiện nhưng ai là người xác minh thì lại chưa có quy định rõ ràng. Tiếp đến là tập huấn kiến thức, phổ cập về công tác cai nghiện cho cán bộ y tế cấp xã, phường sẽ giúp hoạt động cai nghiện đạt hiệu quả cao hơn.

- Muốn được cai nghiện người nghiện phải có đơn mới được cai nghiện. Phải chăng đây chính là lý do mà các trung tâm, cơ sở cai nghiện “chui” mọc ra và thu hút rất nhiều người đến điều trị, thậm chí mua thuốc về tự ý sử dụng?

- Theo quy định thì người nghiện phải đăng kí tự nguyện cai nghiện, nếu không đăng kí mà bị bắt được sẽ phải buộc cai nghiện tại cộng đồng (được quy định cụ thể tại Nghị định 94/2010/NĐ-CP của Chính phủ). Còn về mặt quản lý Nhà nước, chúng tôi cũng không thể nắm rõ được khi người nghiện tự mua thuốc về nhà sử dụng từ các cơ sở, trung tâm “chui”. Do vậy, để quản lý có hiệu quả đòi hỏi trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tăng cường quản lý, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm đối với lĩnh vực này.

Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

Phi Hùng (thực hiện)

Đọc thêm