Chính quyền lúng túng giữ rừng trong 'vòng vây' của các xưởng gỗ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Khu vực xã Hải Yang (thuộc huyện Đắc Đoa, tỉnh Gia Lai) được coi là “thiên đường của gỗ” bởi nơi đây có tất cả 42 xưởng chế biến gỗ. Một số người dân cho biết: Số gỗ mà “lâm tặc” khai thác trên rừng thuộc địa phận xã Hà Đông và Đăc Sơ Mei đều được đem bán cho các xưởng chế biến gỗ trên.
Hiện trường những cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ. Ảnh: Uyên Thu
Hiện trường những cây gỗ bị lâm tặc đốn hạ. Ảnh: Uyên Thu

Phá rừng theo kiểu “hết nạc vạc tới xương”

Sau nhiều ngày tìm hiểu thì phóng viên có mặt tại địa phận cánh rừng giáp ranh thuộc xã Hà Đông và xã Đắc Sơ Mei. Trong vai những sinh viên ngành y học cổ truyền đi nghiên cứu lá thuốc nam, phóng viên được những người dân địa phương dẫn vào rừng.

Tây Nguyên đang vào mùa mưa, những cơn mưa rừng khiến con đường trước mắt bỗng trở nên trơn trượt. Vào sâu trong rừng, chúng tôi đã ghi nhận có nhiều cây gỗ đã bị cưa hạ chưa bị mang đi, nhiều cây chỉ còn trơ trụi gốc. Có những cây to đường kính hơn 1 mét nhưng cũng có những cây đường kính mới chỉ 20 cm cũng bị đốn hạ. Một người đi trong nhóm cho chúng tôi biết “Những cây nhỏ bán cho các xưởng mộc để làm chân, đế sập”.

Cũng theo người dẫn đường thì: Bây giờ “lâm tặc” rất am hiểu luật. Ban đầu, họ vào rừng cưa cho cây đổ xuống rồi để khô. Một thời gian sau họ mới tiếp tục vào rừng xẻ ra theo quy cách rồi đem về bán cho các xưởng trên địa bàn huyện. Họ làm như vậy để nếu có bị cơ quan chức năng phát hiện thì họ sẽ lấy cớ là tận dụng củi khô mục thì sẽ bị xử lý nhẹ hơn so với tội phá rừng.

Một xã nhỏ có 42 xưởng chế biến gỗ

Theo quan sát của PV, khu vực trung tâm xã Hải Yang chỉ chừng 1 km, nhưng dọc hai bên đường là các xưởng chế biến gỗ dân dụng nằm san sát nhau. Một cán bộ kiểm lâm cho biết: đa số các xưởng tại Hải Yang thường mua gỗ Nam Phi về gia công. Số gỗ này là những cây gỗ tròn có đường kính to và được xẻ thành sập, phản để bán cho người dùng. Để thành phẩm được những mặt hàng này họ cần những đế, chân. Và số gỗ này thường được tận dụng những cây gỗ nhỏ tại địa phương.

Người dân lén lút khai thác gỗ trái phép về bán cho các xưởng.

Người dân lén lút khai thác gỗ trái phép về bán cho các xưởng.

Nhận thấy nguồn lợi từ những xưởng gỗ dày đặc, người dân địa phương rủ nhau vào rừng khai thác gỗ trái phép đem bán cho các xưởng trên khiến cho những cánh rừng ở khu vực đó luôn trong tình trạng “kêu cứu”.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện Đắc Đoa cho biết “Hạt sẽ cử nhân viên đi kiểm tra những địa điểm rừng bị phá mà phóng viên đã phản ánh. Việc người dân lén lút khai thác gỗ về bán cho các xưởng cán bộ Hạt cũng có nắm được thông tin. Tuy nhiên để phát hiện và xử lý rất khó khăn bởi các xưởng gỗ rất nhiều, các đối tượng khai thác thì thường lén lút chở lẻ tẻ vào ban đêm. Sắp tới, lãnh đạo Hạt kiểm lâm sẽ kiến nghị với huyện để có giải pháp cụ thể”.

Đọc thêm