Các dịch vụ công ích bao gồm: Thu gom, vận chuyển và xử lý rác đô thị; chăm sóc cây, hoa, thảm cỏ, dải phân cách và quản lý các nơi công cộng; vận hành, sửa chữa thay thế thiết bị hệ thống điện công cộng và hạng mục thoát nước đô thị, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Năm 2020, Công ty đã làm được một khối lượng công việc rất lớn như: Gom rác đường phố, đường hẻm, ngõ xóm gần 75.000km, vận chuyển, xử lý gần 59.000 tấn rác; duy trì, chăm sóc thảm cỏ công viên với hơn 124.000m2; quản lý, vận hành 338 trạm điện chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố. Tuy Công ty làm được khối lượng công việc lớn như vậy, nhưng giá trị hợp đồng chỉ đạt dưới 70% so với dự toán được duyệt, giảm hơn 33 tỉ đồng.
Để đạt được kết quả trên, hàng trăm lao động của Công ty phải ngày đêm bám 209 tuyến đường chính có tên, 730 tuyến đường hẻm, 43 điểm rác công cộng để thực hiện nhiệm vụ của mình. Các loại rác thải hữu cơ chiếm khoảng 70-75%, rác vô cơ (thủy tinh, kim loại, nhựa…) chiếm khoảng 25-30%.
Đa số người dân có ý thức bỏ rác thải đúng nơi, đúng thời gian quy định. Ngược lại, một số hộ dân vẫn tự tiện vứt rác ra đường, gây khó khăn cho chị em Đội vệ sinh môi trường. Vừa làm công việc nặng nhọc, anh, chị em vừa phải ngửi các mùi hôi thối, độc hại từ các đống rác thải. Trong lúc mọi người ở nhà vui tết, đón xuân thì những người lao động của Công ty lại “đón tết ở ngoài đường”.
Khi mưa giông, gió giật, mọi người trú ở trong nhà yên ấm thì những người lao động của Công ty vẫn gồng mình “đội mưa, đội gió” làm việc. Có người không thông cảm chia sẻ với người lao động còn tỏ thái độ khinh thường, lăng mạ. Đó là chưa kể, một số người tham gia giao thông say bia, rượu hay thiếu ý thức đã gây tai nạn cho người lao động.
Năm 2016, chị Nguyễn Thị Lân bị xe ô tô chạy ẩu tông vào người gây chấn thương sọ não, chết hẳn một dây thần kinh thực vật nhưng vì “bát cơm, manh áo” của gia đình vẫn phải ra đường thu gom rác thải. Nhiều anh, chị em lo công việc cơ quan, ít có thời gian để chăm lo cho con cái. Có nhiều trường hợp khi cha, mẹ đi làm về khuya con đã ngủ. Khi cha, mẹ đi làm sớm, con vẫn đang ngủ ngon. Vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Hoài cùng làm ở Công ty đi sớm, về khuya nên các con phải tự lo cho bản thân mình cả việc ăn uống, học hành.
Do Công ty bị cắt kinh phí nên tiền lương, tiền thưởng của người lao động cũng bị giảm theo, làm cho đời sống của người lao động trong Công ty rất chật vật. Đặc biệt, trong năm 2020, có đại dịch COVID - 19 nên Công ty còn phải phát sinh mua sắm trang thiết bị chuyên dùng và bảo hộ cho người lao động làm việc tại các cơ sở cách ly, khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid cao. Ấy vậy mà, không bao giờ người lao động để rác bị tồn đọng trong ngày.
Bình quân mỗi ngày, người lao động phải thu gom 170 tấn rác để đưa về bãi chôn lấp rộng 10ha tại xã Gào. Chính người đứng đầu chính quyền thành phố Pleiku phải thừa nhận Công ty đã thu gom rác thải ở nội thị đạt 97% và ngoại thị đạt 76%. Điện chiếu sáng công cộng đường chính đạt tỷ lệ 100%, đường hẻm đạt 65%.
Khi cây đổ trong mùa mưa bão, người lao động Công ty có mặt kịp thời xử lý sự cố, giải phóng đường giao thông. |
Công việc hàng năm càng tăng thì giá trị đặt hàng của Công ty càng bị cắt giảm. Rác một ngày không thể không dọn, cây gãy đổ cần phải xử lý ngay, lương công nhân đến hẹn phải trả… Để công việc hiệu quả, Công ty phải “chạy đôn, chạy đáo” vay mượn, tạm ứng kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau để cố gắng đảm bảo thu nhập cho người lao động tạm ổn định, không để tình trạng nợ lương, phúc lợi xã hội xảy ra. Đề cập vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Ngà, Phó giám đốc Công ty CP Công trình Đô thị Gia Lai kính mong lãnh đạo các cấp xem xét bổ sung nguồn kinh phí còn hụt trong năm 2020.
Ông Nguyễn Hữu Quế, Tỉnh ủy viên - Chủ tịch UBND TP Pleiku cũng xác nhận với phóng viên về số tiền đó của Công ty nhưng do nguồn thu ngân sách của thành phố bị sụt giảm vì đại dịch COVID -19 nên chưa có nguồn để cấp cho đơn vị.
Trước thực trạng khó khăn trên, lãnh đạo Công ty đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Gia Lai, UBND TP Pleiku, Kiểm toán Nhà nước Khu vực 12 xin hỗ trợ phần còn thiếu so với Dự toán được duyệt cuối năm 2020 là 33 tỉ đồng...
Nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn từ công việc nặng nhọc này. |
"Dù khó khăn về kinh phí nhưng chúng tôi vẫn cố hết sức mình làm cho thành phố Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” - đó là lời nhắn gửi của cán bộ, công nhân Công ty tới lãnh đạo các cấp.
Bất chấp hiểm nguy trong đại dịch COVID- 19, người lao động Công ty vẫn như con ong thợ cần mẫn ngày đêm hút nhụy hoa, nhả mật ngọt cho đời, góp phần mang lại môi trường sống ngày một tốt hơn cho người dân, hướng tới phát triển bền vững và thân thiện với môi trường là hết sức quan trọng đối với một đô thị đang phát triển, xứng tầm là đô thị loại I được Chính phủ công nhận, là đô thị hạt nhân, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật của vùng Bắc Tây nguyên nói chung và của tỉnh Gia Lai nói riêng.