Trên thế giới, tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tại Mỹ (FDIC) là tổ chức BHTG được thành lập sớm nhất vào năm 1933 với, mục tiêu chính sách công là khôi phục và duy trì niềm tin của công chúng và sự ổn định của hệ thống tài chính – ngân hàng.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, cùng với các biện pháp cứu trợ khẩn cấp, hạn mức BHTG tại Mỹ đã được tạm thời nâng từ 100.000 đô la Mỹ lên 250.000 đô la Mỹ đồng thời triển khai các biện pháp nâng cao nhận thức công chúng về việc tăng hạn mức BHTG giúp người gửi tiền nhận được thông tin nhanh chóng, không rơi vào tâm lý hoang mang lo lắng nên đã không xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt.
Hiện nay, khi đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và Mỹ đang là nước chịu nhiều ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Để góp phần ổn định hệ thống tài chính, FDIC đã tích cực truyền thông tới người gửi tiền về sự an toàn của tiền gửi tại các ngân hàng được FDIC bảo vệ. Bên cạnh đó, FDIC cũng tuyên bố các ngân hàng được FDIC bảo hiểm vẫn là nơi an toàn nhất để người dân Mỹ cất giữ tiền, bất chấp những thách thức do dịch Covid-19 gây ra. Với hạn mức 250.000 đô la Mỹ, có tới 99% tài khoản tiền gửi của người dân Mỹ được bảo hiểm toàn bộ.
Ngoài ra, FDIC cũng tích cực góp phần ổn định tài chính thông qua đánh giá rủi ro của ngân hàng, can thiệp sớm, thúc đẩy quản lý rủi ro lành mạnh và thực hiện các biện pháp xử lý tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém. FDIC là cơ quan giám sát liên bang đối với các ngân hàng cấp tiểu bang không phải thành viên của Cục dự trữ Liên bang (FED) và các tổ chức tiết kiệm cấp tiểu bang.
Chính sách BHTG góp phần ổn định hệ thống tài chính – ngân hàng tại Việt Nam
Tại Việt Nam, Luật BHTG quy định “BHTG nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng”.
Hiện nay, theo Quyết định 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 75 triệu đồng. Tại thời điểm 2017, với hạn mức BHTG này, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm là 87,32%, vẫn thấp so với thông lệ quốc tế để có thể bảo vệ phần lớn người gửi tiền.
Quý III/2020, Chính phủ đã công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng về hạn mức trả tiền BHTG. Mức chi trả tối đa dự kiến tăng lên 125 triệu đồng đối với mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) cũng luôn chủ động, tích cực truyền thông về chính sách BHTG để củng cố niềm tin công chúng vào hoạt động ngân hàng, qua đó góp phần ngăn ngừa trường hợp rút tiền hàng loạt khi xảy ra tin đồn thất thiệt trong hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, với quyền và nghĩa vụ được quy định trong Luật BHTG, BHTGVN còn góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG, tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt, chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG.
Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD, BHTGVN còn có nhiệm vụ: Cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; Mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân; Tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Như vậy, vai trò của BHTGVN trong việc xử lý TCTD yếu kém đã được tăng cường. Để thực hiện mục tiêu góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, trong thời gian tới, BHTGVN cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được quy định trong Luật BHTG; đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD.
Theo khuyến nghị của IADI, tuỳ thuộc vào nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức BHTG, có sự khác biệt trong việc tổ chức BHTG đóng góp cho sự ổn định của hệ thống tài chính. Vai trò ổn định tài chính là cơ bản nhưng cần thiết cho tất cả các hệ thống BHTG là giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt. Mục tiêu này dựa trên những lo ngại người gửi tiền có thể mất niềm tin vào TCTD và đổ xô đi rút tiền, dẫn đến việc các tổ chức này phải đối mặt với khó khăn thanh khoản, thậm chí phải thanh lý tài sản với giá thấp để đáp ứng nhu cầu rút tiền hàng loạt của người gửi tiền. Bằng cách bảo vệ người gửi tiền, BHTG làm giảm rủi ro người gửi tiền đi rút tiền hàng loạt.
Bên cạnh đó, khả năng giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm hạn mức BHTG, nhận thức công chúng, mức độ chi trả nhanh chóng cho người gửi tiền, độ tin cậy của hệ thống BHTG… Theo IADI, để ngăn chặn việc rút tiền mất kiểm soát, hạn mức BHTG cần đủ lớn để bảo hiểm toàn bộ phần lớn người gửi tiền (khoảng 90-95% tổng số người gửi tiền) và đảm bảo người gửi tiền được thông tin đầy đủ về những hạn chế của hạn mức BHTG.
Đồng thời, cần đảm bảo công chúng được thông tin thường xuyên về lợi ích và hạn chế của hệ thống BHTG. Việc truyền tải thông điệp tích cực và cung cấp thông tin chính xác cho người gửi tiền sẽ góp phần ngăn ngừa trường hợp rút tiền hàng loạt.