Chính sách cho cán bộ pháp chế: “Có thực mới vực được đạo“

(PLO) -Vẫn biết trong bối cảnh chung của đất nước hiện nay khó có thể có nhiều chế độ ưu đãi riêng cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế trong cả nước. Nhưng thu nhập còn thấp đã tác động phần nào đến tâm tư của họ, đòi hỏi phải được quan tâm giải quyết.
Cần quan tâm động viên cán bộ pháp chế - ảnh minh họa

Vận dụng trong khả năng cho phép

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhắn nhủ: để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, yếu tố con người - đội ngũ cán bộ tư pháp giữ vai trò quyết định. Vì vậy, ngành Tư pháp cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch nước yêu cầu sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp, bảo đảm tinh gọn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, vi phạm pháp luật, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát, xử lý kịp thời, dứt điểm các vụ khiếu kiện, nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Hơn 1 năm trước - tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng bày tỏ trăn trở với thu nhập của cán bộ, công chức nói chung và ngành Tư pháp nói riêng khi mà Chính phủ đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề nhưng lại chưa lo được đời sống tốt hơn cho cán bộ, công chức.  “Tôi rất hiểu ai cũng có cuộc sống” – Thủ tướng chia sẻ.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta đang triển khai đề án cải cách tiền lương, thực hiện các Kết luận 63, 64 của Trung ương, tôi đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cả nước cần quan tâm hơn nữa đến anh em làm pháp chế, pháp luật”. Từ đó, Thủ tướng đề nghị, “dù ít hay nhiều, nhưng tất cả chúng ta cùng có biện pháp và động viên tinh thần, vận dụng vật chất trong khả năng cho phép và dành tình cảm để động viên anh em, giúp anh em làm công tác tư pháp an tâm công tác, cống hiến cho ngành, cho đất nước”.

Vậy mà thêm 12 tháng đã trôi qua, tại Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2018 mới đây, những băn khoăn ấy lại tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương “xới xáo”. 

Một số bộ, địa phương như UBND tỉnh Sóc Trăng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính sớm xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Thậm chí, UBND tỉnh Quảng Bình còn kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chế độ đặc thù, chính sách riêng cho các chức danh bổ trợ tư pháp.

Tiếp tục nghiên cứu các điều kiện bảo đảm

Trả lời các đề xuất trên, Bộ Tư pháp cho biết: Ngay sau khi Nghị định 55 có hiệu lực, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thi hành. 

Theo đó, Bộ Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ phụ cấp theo nghề đối với người làm công tác pháp chế. Trên cơ sở ý kiến thống nhất của đa số các bộ, ngành, ngày 6/12/2011, Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với người làm công tác pháp chế. Sau đó, tại các Phiên họp của Chính phủ về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã nhiều lần kiến nghị về vấn đề này. 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngày 27/5/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020. Thực hiện Kết luận số 63-KL/TW, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu việc ban hành chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề sẽ được xử lý trong Đề án cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.

Để khuyến khích, động viên đội ngũ những người làm công tác pháp chế ở bộ, ngành, địa phương, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành đưa ra nhiều giải pháp, nhất là đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) mới, điều chỉnh tăng mức kinh phí chi cho một số hoạt động liên quan đến công tác pháp chế.

Đặc biệt, Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã quy định về việc bảo đảm kinh phí cho công tác xây dựng VBQPPL và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Căn cứ Luật năm 2015 và Nghị định 34, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 338/2016/TT-BTC, trong đó đã bổ sung nhiều nội dung chi và mức chi cho các hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với bộ, ngành có liên quan nghiên cứu các điều kiện bảo đảm, trong đó có chế độ ưu đãi đối với cán bộ, công chức làm công tác pháp chế để bảo đảm phù hợp với quy định của Nghị định 55.

Còn đối với chế độ cho các chức danh bổ trợ tư pháp, theo Bộ Tư pháp, chức danh công chứng viên đang làm việc tại các phòng công chứng đã được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề (Quyết định số 27/2012/QĐ-TTg); giám định viên tư pháp, người làm giám định tư pháp cũng đã được quan tâm, tăng cường các chế độ chính sách (Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg; Thông tư số 02/2009/TT-BTP)... 

Riêng lĩnh vực đấu giá tài sản, do Luật Đấu giá tài sản mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2017 nên Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những chính sách hợp lý cho đội ngũ đấu giá viên làm việc tại các trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, đảm bảo phù hợp với chủ trương xã hội hóa hoạt động bán đấu giá hiện nay.

Đọc thêm