Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch chuẩn bị gia nhập Công ước La Hay năm 1980 về khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế giai đoạn 2018 - 2021.
Theo đó, từ năm 2018 - 2020, Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả rà soát, đánh giá sự phù hợp giữa quy định của Công ước với quy định của pháp luật Việt Nam và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; rà soát các quy định của Công ước với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Bên cạnh đó, xây dựng Báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về gia nhập và thực thi Công ước; nghiên cứu, xây dựng báo cáo tổng hợp đánh giá tình hình thực tiễn giải quyết các vụ việc về quyền nuôi dưỡng, thăm nom đối với trẻ tại Việt Nam liên quan nội dung của Công ước; nghiên cứu xây dựng báo cáo đánh giá tác động chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội và các tác động khác của việc gia nhập Công ước.
Đồng thời, nghiên cứu cơ chế kiện toàn tổ chức, tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức có liên quan ở các cấp, trong đó, nghiên cứu, xác định vai trò, nhiệm vụ, chức năng các cơ quan liên quan trong việc giải quyết khía cạnh dân sự vụ việc bắt cóc trẻ em gắn với chức năng, nhiệm vụ đầu mối quốc gia trong Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; tham gia vào các phiên họp, hội nghị, chương trình đào tạo, tập huấn (nếu có) của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế có nội dung liên quan đến Công ước.
Nâng cao nhận thức về Công ước. Theo đó, Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng tài liệu giới thiệu về Công ước; phổ biến, giới thiệu về Công ước cho các đối tượng có liên quan; tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, người có liên quan, cơ quan, tổ chức thực thi về Công ước gắn với các nội dung khác về tư pháp quốc tế và các Công ước có liên quan trong khuôn khổ Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế.
Năm 2021, Bộ Tư pháp báo cáo nghiên cứu đề xuất gia nhập Công ước trình Chính phủ về việc gia nhập Công ước.