Chính sách đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vừa diễn ra tại Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ Chính phủ sẽ mạnh dạn cho các địa phương trong vùng Tây Nguyên “thí điểm” triển khai một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Chính sách đặc thù

Sắp tới đây (26/11), tại Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ, nhiều người nhận định cũng sẽ có đề xuất “chính sách thí điểm”.

Vậy “thí điểm” là gì? Vì sao phải “thí điểm”? Dễ dàng hiểu vì những chính sách “thí điểm” là những chính sách chưa được quy định, chưa ban hành. Chúng ta đã từng “thí điểm” rất nhiều, đa dạng, từ tự chủ trong giáo dục, y tế... đến “thí điểm” nhất thể hóa chức danh ở cấp phường. Theo thẩm quyền, không chỉ Thủ tướng mà Quốc hội cũng từng ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên - Huế. Tất cả đều vì mục tiêu chung cho quản trị của quốc gia, cho giải phóng nguồn lực để phát triển ở các địa phương.

Tất nhiên, để được chấp thuận “thí điểm”, các cơ chế, chính sách được các địa phương, các cơ quan có trách nhiệm chuẩn bị kỹ lưỡng, được thẩm tra, rà soát, cấp có thẩm quyền cho ý kiến, tiếp tục hoàn thiện. Tóm lại, điều kiện trình tự, thủ tục rất chặt chẽ, không phải cứ muốn “thí điểm” là được.

Thời gian qua, việc “thí điểm” đã cho thấy hoàn toàn đúng. Một số cơ chế, chính sách trong quá trình thử nghiệm đã được nghiên cứu để phổ cập cao hơn trước khi tiến hành một chính sách đại trà. Qua thí điểm, nhiều chính sách quản trị đã được phổ cập, nhân rộng ra. Đó cũng là hướng để chính sách ban hành phù hợp thực tiễn, có tính khả thi.

Quản lý, quản trị có “thuộc tính” bảo thủ. Thể chế chính sách của nước ta là thống nhất nhưng trong quá trình phát triển cần thực hiện “thí điểm” một số cơ chế chính sách mới, nâng chính sách, pháp luật lên một chuẩn mới, hiệu quả. Nhưng việc ban hành “thí điểm” một số cơ chế, chính sách đặc thù phải có sự thống nhất với hệ thống pháp luật của Nhà nước. Cụ thể, cần làm rõ việc “thí điểm” như thế nào cũng như thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội và việc phân quyền cho các địa phương.

Điều quan trọng hơn trong việc “thí điểm” này là tạo sự bình đẳng giữa các địa phương có cùng điều kiện phát triển như nhau, tạo sự thống nhất trong quản lý của Chính phủ. Đặc biệt là tránh tình trạng sắp tới các địa phương khác cũng kiến nghị có cơ chế, chính sách đặc thù riêng.

Đọc thêm