Đại biểu Tô Văn Hùng cho biết, Đà Nẵng đã thành công trong quy hoạch đô thị. Trong vòng 20 năm, quy mô đô thị đã tăng lên gấp 3 lần. Để làm điều đó, thành phố đã di dời 110.000 hộ dân.
“Các địa phương đến học tập và thừa nhận không thể làm được điều này như Đà Nẵng vì thành phố đã di dời gần hơn một nửa dân số mới làm được. Tuy nhiên, hiện nay chính sách đền bù, TĐC của Đà Nẵng cần xem xét lại và có cách làm khác", đại biểu Hùng nói.
Ông Hùng đơn cử khu tái định cư ở xã Hòa Liên, Thạch Nham Đông (Hòa Vang), mật độ lấp đầy dự án này chỉ đạt 20- 30%. Vì dân không đến làm nhà nên hạ tầng đầu tư ngày càng xuống cấp. Tương tự, khu TĐC phía nam bến xe Hòa Phước cũng lác đác vài ngôi nhà. Điều đáng nói, trong khi khu TĐC chưa được lấp đầy, dư nhiều lô đất, thành phố lại cho làm một vệt đất với quy mô 50 lô để bố trí TĐC cho một vài hộ dân. Đặc biệt, chủ trương này thường trực HĐND chưa thống nhất nhưng đơn vị thi công đã làm. Theo ĐB Hùng, điều này liên quan đến việc quản lý đất đai, quản lý quy hoạch cũng như việc đảm an sinh xã hội và hiệu quả đầu tư.
Quỹ đất TĐC toàn thành phố hiện có 125.224 lô đất, trong đó còn 15.741 lô đất chưa bố trí. Theo tính toán của ông Hùng, suất đầu tư một lô đất từ 265- 300 triệu đồng/lô, riêng việc này thành phố đã ném vào đất hơn 500 tỷ đồng. Điều nghịch lý khi thành phố dư hơn 15.000 lô đất TĐC nhưng riêng trên địa bàn xã Hòa Liên để giải quyết cho các dự án lại thiếu hơn 1.493 lô đất. Đây là nguyên nhân hàng loạt dự án không triển khai kịp tiến độ. “Điều này là nghịch lý không biết vì sao? Đây có phải là lãng phí?” ông Hùng nêu câu hỏi.
Hiện Đà Nẵng có 214 dự án giải tỏa nhưng có 171 dự án dở dang vì liên quan đến công tác đền bù, TĐC. Theo ông Hùng, vấn đề này đáng suy nghĩ.
Do đó, ông Hùng đề xuất, đã đến lúc nghiên cứu chính sách giải tỏa đền bù. Nếu trước đây thực hiện theo cách thu đất đền bù bằng đất, nay cần linh hoạt đền bù bằng tiền hoặc đất và tiền. Điều này đã được quy định rõ trong luật đất đai. Phải xem xét lập việc TĐC trước khi thu hồi đất, tránh tình trạng vừa làm TĐC, vừa thu hồi, vừa bố trí dẫn đến tình trạng rất nhiều bất cập và phát sinh. Hoặc tách TĐC độc lập với dự án để không chậm trễ trong triển khai dự án.
Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở kế hoạch đầu tư trả lời chất vấn của đại biểu |
Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho biết, chủ trương thành phố hiện này là phát triển về phía Tây, vì quỹ đất phía Đông, ven biển gần như đã hết. Theo ông Sơn, tình trạng phân lô, chia lô ở phía Tây thành phố dày đặc nên chi phí đầu tư rất lớn, kêu gọi đầu tư hợp tác công tư, nhà đầu tư không tham gia. Do đó, thành phố sẽ phải hỗ trợ trong vấn đề đền bù giải tỏa, hỗ trợ đầu tư một phần tiền rất lớn thì mới có kêu gọi đầu tư vào khu vực này.
Ông Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng thông tin thêm, khi chậm giải ngân vốn hiện nay thường bảo do thủ tục chậm. Trong khi đó, chủ trương HĐND chưa đồng ý thì vẫn làm. Do đó đề nghị UBND thành phố làm rõ, báo cáo Thường trực HĐND thành phố trong thời gian đến. Khu vực phía Tây cần hết sức cẩn trọng trong việc sử dụng nguồn lực quỹ đất. Phải tập trung rà soát quy hoạch, đồng bộ khớp nối và có chính sách thu hút đầu tư một cách công khai minh bạch.
Riêng 214 dự án kéo dài, ông Trung đề nghị UBND thành phố cần chỉ đạo quận huyện rà soát cụ thể từng dự án theo hướng phải tính toán phương án TĐC từng dự án rõ ràng, đền bù bằng tiền hay đất. Cần chú ý đến nguồn lực, tránh tình trạng hứa với dân nhưng tới giờ thanh toán lại không có tiền trong khi giá đất biến động rất nhanh. UBND thành phố cần làm ngay để HĐND giám sát, chỉ đạo địa phương triển khai rốt ráo. Riêng các dự án mới, phải đảm bảo tính cần thiết, phù hợp quy hoạch, tránh phân lô chia lô ra dẫn đến tình trạng đô thị “nhà ổ chuột nhưng hiện đại”.