Cần phải có khoảng lặng để đánh giá
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH, nhất là đánh giá về công tác điều hành, quản lý nhà nước và công tác phòng, chống dịch Covid-19.
ĐB Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) cho rằng, những tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế đất nước bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều lĩnh vực kinh doanh đầu tư gần như “đóng băng”, không hoạt động như vận tải, dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ với những giải pháp cụ thể đã đem lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch; được thế giới ghi nhận, tạo niềm tin với cử tri và nhân dân cả nước.
ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) nhận định, kết quả năm 2019 và kỳ tích về chống dịch Covid-19, ngăn chặn suy giảm kinh tế một lần nữa khẳng định sức mạnh đoàn kết của dân tộc và sự ưu việt của chế độ mà Đảng đang kiên định lãnh đạo toàn dân đi theo. Để khắc phục khó khăn, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để khôi phục kinh tế.
Góp ý một số vấn đề, ĐB cho rằng, đại dịch Covid-19 làm cả cung và cầu đều suy giảm nên việc nới lỏng mỗi chính sách cần phải có liều lượng phù hợp. “Phải đặt ra ngưỡng trần không được vượt qua, lường trước các rủi ro để điều hành và đặc biệt để thúc đẩy sản xuất lại phải quay về các câu hỏi kinh điển là sản xuất gì, sản xuất như thế nào, bán cho ai để cơ cấu lại nền kinh tế và phải đặt trong bối cảnh chúng ta đã hội nhập sâu, độ mở của nền kinh tế lớn”, ĐB nói.
Vẫn theo ĐB, các chính sách miễn, giảm, giãn thuế thu ngân sách chỉ phù hợp cho các doanh nghiệp còn hoạt động, có doanh thu, có lãi; không bao quát hết các doanh nghiệp khó khăn nên cần có thêm chính sách đối với các doanh nghiệp ngừng hoạt động do thiếu vốn, do đứt đoạn nguồn cung đầu vào hoặc thị trường đầu ra.
ĐB Hàm cũng cho rằng, dịch Covid-19 gây đứt gãy chuỗi sản xuất có thể kéo dài nhiều năm nên để lấp đầy lỗ hổng của chuỗi sản xuất, ngoài việc thu hút, chọn lọc FDI, phát triển kinh tế tư nhân thì cần tính đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước theo quy định của Hiến pháp. Trong bối cảnh thu ngân sách giảm mạnh trong khi phải tăng chi để chống dịch, khôi phục kinh tế, ĐB cho rằng cần sắp xếp lại chi và nới trần bội chi.
ĐB Hàm nhận định, trong điều kiện gấp gáp hiện nay vẫn cần phải có khoảng lặng để đánh giá và hạn chế tác động tiêu cực của các chính sách. “Khoảng lặng đó để xem chính sách có đặt mục tiêu không, kết quả mang lại có vượt trội so với hậu quả tiêu cực của chính sách không”, ĐB Hàm cho hay.
Mở lối thoát cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cho hay, do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, thua lỗ, nợ nần tăng cao, kéo theo nhiều lao động mất việc làm, thất nghiệp, nguồn thu của quốc gia giảm sút nghiêm trọng. Bộ Chính trị đã có kết luận về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế; Thủ tướng đã gặp mặt, đối thoại, chia sẻ khó khăn đối với doanh nghiệp và đề cập tình trạng doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, phiền hà, bắt nạt.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương. |
Tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân, tổ chức thiếu đồng lòng tạo cơ hội cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn. ĐB đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo xử lý, mở lối thoát cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tạo nguồn thu ngân sách cho quốc gia và cho tỉnh.
“Tôi thấy việc phòng, chống tham nhũng chúng ta làm tốt nhưng phòng, chống lãng phí chưa làm tốt lắm, đặc biệt là các doanh nghiệp thua lỗ, nợ nần, phá sản, tôi đề nghị phải kiểm tra nguyên nhân này có nguyên nhân cá nhân và tổ chức nào gây khó khăn, cản trở để doanh nghiệp phá sản hay không, đề nghị phải tập trung xử lý”, ĐB nói.
ĐB Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cũng cho rằng quá trình tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vẫn còn chậm đi vào cuộc sống và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện các giải pháp giải quyết bất cập, vướng mắc giúp cho doanh nghiệp, người dân, người lao động để tiếp tục tiếp cận nhanh với các chính sách của Nhà nước.
Cùng với đó, ĐB đề nghị Chính phủ có giải pháp đồng bộ cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với chịu trách nhiệm cho địa phương, cắt giảm thủ tục hành chính ngay từ khi xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Các bộ, ngành cần nghiên cứu, dự báo tình hình, cung cấp thông tin về khả năng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư từ các nước để có sự chủ động về nguồn nhân lực, về cơ sở hạ tầng; hoàn thiện thể chế cơ sở pháp lý để đón nhận nhà đầu tư phát triển kinh tế.
Về tình hình lao động việc làm và thông tin thị trường lao động, ĐB nhận định, do ảnh hưởng của dịch bệnh, cơ sở dữ liệu thông tin thị trường lao động của nước ta hiện nay đang rất hạn chế, không đủ khả năng cung cấp thông tin về thị trường lao động.
Đại biểu Đỗ Thị Lan phát biểu tại phiên họp. |
Số liệu về thị trường lao động chủ yếu thông qua Tổng cục Thống kê hoặc khi cần mới được nắm bắt từ các cấp và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan phản ánh một cách tương đối; làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển thị trường lao động, đáp ứng nền kinh tế, quá trình hoạch định, ban hành chính sách về lao động, việc làm, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.
Cho rằng bất cập trên đã tồn tại nhiều năm qua, ĐB đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ có liên quan sớm dự báo, phân tích, định hướng về thị trường lao động, đáp ứng với tình hình thực tế và cung cấp các thông tin về thị trường lao động cho các cơ quan, tổ chức có liên quan để đáp ứng với yêu cầu của nền kinh tế.
Nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội
Phát biểu tại phiên họp, ĐB Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho hay, có những vụ án vừa qua gây bức xúc, nghi ngờ, nghi vấn trong nhân dân và dư luận về tính đúng đắn về phán quyết của tòa án cũng như những vi phạm trong hoạt động tố tụng như vụ án Hồ Duy Hải, vụ nghi vấn công ty Nhật hối lộ ở Bắc Ninh, vụ lùi xe trên đường cao tốc, vụ nhảy lầu tự tử ở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, vụ củi khô ở Kon Tum và điển hình là vụ gỗ tại Quảng Trị mà theo ĐB có nhiều dấu hiệu oan sai, vi phạm nghiêm trọng pháp luật trong tố tụng...
Theo ĐB Thắng, nhiều ĐB đã kiến nghị giám đốc thẩm nhưng đến nay đã gần 1 năm mà các cơ quan có trách nhiệm chưa xem xét trả lời. ĐB cho rằng những vụ việc này là hồi chuông để hối thúc QH tiếp tục quyết liệt hơn nữa trách nhiệm giám sát của mình để bảo đảm cho pháp luật được thượng tôn, niềm tin của nhân dân vào nền tư pháp được củng cố và để góp phần làm trong sạch các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Tranh luận lại, ĐB Phạm Hồng Phong (đoàn Hậu Giang) cho rằng, khi xét xử thì Hội đồng xét xử phải đọc hồ sơ. “Có nhiều vụ án hồ sơ chở cả xe ô tô, Hội đồng xét xử phải đọc nhiều tháng và phải kiểm tra các chứng cứ, qua các lời khai, phải tranh tụng tại phiên tòa mới đưa ra phán quyết đúng đắn của Hội đồng xét xử. Chúng ta không nên chỉ qua một vài trang giấy, cũng như một vài bình luận của báo để đưa ra một quyết định, tôi nghĩ là thiếu cơ sở”, ĐB nói.
Tranh luận lại, ĐB Hoàng Đức Thắng cho rằng, ĐB hay nói rộng ra là ĐB của dân không thể và không được vô cảm trước nhân dân, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) cũng nêu ý kiến: “QH là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có nghĩa là cơ quan QH lập ra hành pháp, tư pháp và giám sát hành pháp và tư pháp. Do đó, các ĐB và các Ủy ban của QH phải có trách nhiệm trước cử tri là thực thi quyền giám sát này đối với hành pháp và tư pháp. Cho nên những gì ĐB phát biểu về hành pháp và tư pháp, trong đó có các vụ án cụ thể là phản ánh những băn khoăn của cử tri, đồng thời là trách nhiệm của ĐB”, ĐB nói. Hôm nay, 15/6, QH tiếp tục thảo luận ở hội trường về nội dung trên.