Còn nhiều khó khăn
Ấp ủ dự án làm nông nghiệp sạch, tuy nhiên khi triển khai một DN khởi nghiệp đã phải bỏ ra cả một năm trời để đi khảo sát rất nhiều địa phương. Khó khăn lớn nhất vẫn là đất đai. Dường như DN vẫn phải đi thương lượng “tay bo” với nông dân và nhiều khi “tưởng như được rồi” cuối cùng vẫn trắng tay.
Không chỉ khó khăn về đất đai, một DN chăn nuôi cho hay, từ khâu xin giấy phép xây dựng trang trại cho đến lúc được chấp thuận phải mất đến hàng tháng trời. Sau khi có được giấy phép xây dựng, lại mất thêm thời gian chờ làm thủ tục về đất đai, chi phí đi lại, mất rất nhiều thời gian, tiền bạc…
Về quê huy động đất đai của họ hàng, người thân nhưng không ít DN cũng chỉ dám “vừa làm vừa tính” bởi không thể có nguồn vốn đủ lớn để đầu tư. “Ngân hàng có cho vay cũng rất dè dặt bởi DN mới triển khai, chưa chứng minh được hiệu quả kinh tế…”- một DN chia sẻ.
May mắn hơn, giám đốc một công ty cổ phần chuyên kinh doanh mảng rau, củ, quả có trụ sở ở Hải Dương cho biết, đến nay sản phẩm của công ty đã xuất khẩu nhưng đó là cả một quá trình DN phải tự mày mò. “Khi quyết định đầu tư vào lĩnh vực này, chúng tôi phải tự nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Trong các khâu sản xuất, tiêu thụ, DN đều phải tự liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm, hầu như các chính sách hỗ trợ cho DN đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều” – Giám đốc DN này chia sẻ.
Chính sách nhiều, triển khai chưa được bao nhiêu
Tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống cho biết, Nghị định 57/2018/NĐ-CP có nhiều quy định đặc thù nhằm thu hút tối đa DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Chẳng hạn, DN thực hiện dự án trên cơ sở định mức hỗ trợ của Nhà nước và được hỗ trợ sau đầu tư. “Đây là cách làm đã được khẳng định tính hợp lý, hiệu quả trong quá trình thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP trước đây…”- Thứ trưởng bình luận.
Nghị định này cũng giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính (Cắt giảm được 03 thủ tục về xây dựng là cấp phép xây dựng, quy hoạch và thẩm định thiết kế cơ sở; giảm 01 thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư; 01 thủ tục về thẩm tra công nghệ. Các thủ tục còn lại được lồng ghép, vừa thi công vừa hoàn thiện...).
Đặc biệt, Nghị định này còn giúp hỗ trợ tập trung đất đai (Hỗ trợ DN có dự án nông nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân; Miễn, giảm tiền sử dụng đất, thuê đất cho các dự án nông nghiệp phù hợp với Luật Đất đai 2013); Hỗ trợ về tín dụng đầu tư; Hỗ trợ về vốn (Quy định mức vốn nhà nước hàng năm bố trí thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP ở mức tối thiểu 5% vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn…).
Tuy nhiên, đại diện Bộ KH&ĐT thừa nhận, việc thực thi Nghị định 57/2018/NĐ-CP đến nay còn rất nhiều bất cập, làm giảm hiệu quả của chính sách. “Điều đáng nói, trong khi các văn bản hướng dẫn ở cấp Trung ương cơ bản đã đầy đủ thì ở cấp địa phương, việc ban hành các văn bản này đang rất chậm so với yêu cầu của Chính phủ…”- ông Thống lưu ý.
Theo Thứ trưởng Võ Thành Thống, ngoài việc tuyên truyền thực hiện Nghị định, cấp tỉnh phải ban hành 5 chính sách, hướng dẫn theo đặc thù của địa phương mình. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 1 năm Nghị định có hiệu lực, chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách đặc thù của địa phương về hỗ trợ DN; Đặc biệt, chưa có tỉnh, thành phố nào ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai (không tính các cơ chế thí điểm cũ); Chỉ có 03/63 tỉnh, thành phố ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích đầu tư; 05/63 tỉnh, thành phố ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh; 04/63 tỉnh, thành phố ban hành định mức hỗ trợ chi tiết. Ngoài ra, việc thiếu nguồn vốn để hiện thực hiện cũng làm giảm hiệu quả của chính sách.
“Đây cũng là bất cập chung như các đại biểu Quốc hội đã ví những chính sách này là một loại quả đẹp mà không ăn được. Do đó, mỗi cấp chính quyền phải thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao để chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn sớm đi vào cuộc sống…”- Thứ trưởng Võ Thành Thống nhấn mạnh.