Chính sách với sinh viên theo ngành đặc thù

(PLVN) - Từ nhiều năm nay, ngoài một số ngành đặc thù như quân đội, công an; thì sinh viên ngành sư phạm cũng đã được hưởng chính sách người theo học không phải đóng học phí. Đây được đánh giá là chính sách đúng đắn, hỗ trợ, định hướng cho những sinh viên xác định sẽ theo nghề thiên về phục vụ cộng đồng.
Ảnh minh họa.

Những năm qua, cũng với tình hình kinh tế ngày càng phát triển, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của mọi người dân ngày càng cao, nên ngành Y là nghề được xã hội ngày càng coi trọng. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, mới thấy sự vất vả, hy sinh của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế ra sao; nhưng chính sách chế độ họ được hưởng vẫn chưa tương xứng. Vì vậy nên có chính sách hỗ trợ sinh viên ngành y dược, là vấn đề cần đặt ra.

Chính phủ đã có Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ, cấp học bổng với người học chuyên ngành y tế. Học viên sau ĐH trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú chuyên khoa một số chuyên ngành tại trường thuộc khối ngành sức khỏe được Nhà nước hỗ trợ học phí và chi phí sinh hoạt.

Học viên tại trường thuộc khối ngành sức khỏe của Nhà nước có kết quả học tập, rèn luyện loại khá trở lên, không bị kỷ luật khiển trách trở lên trong kỳ xét cấp học bổng được cấp học bổng khuyến khích học tập.

Học viên là người đang làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được cấp học bổng chính sách.

Người học tại trường thuộc khối ngành sức khỏe của tư nhân phải đóng phần chênh lệch giữa mức học phí thực tế của trường và mức hỗ trợ của Nhà nước.

Như vậy, nhiều sinh viên ngành y vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ này. Trong khi theo một số liệu khảo sát tại các trường ĐH năm 2024 - 2025, khối ngành y dược, y khoa luôn có học phí đắt đỏ bậc nhất. Với trường công lập, học phí 82,2 triệu đồng/năm, trường ngoài công lập học phí lên đến 180 triệu/năm. Thời gian đào tạo khoảng 6 năm khiến việc thu hút nhân lực chất lượng cao của các trường y dược khó khăn.

Tham gia thảo luận tình hình kinh tế - xã hội sáng 29/5 tại Quốc hội, một đại biểu Quốc hội lo ngại về chất lượng sức khỏe người dân hiện nay. Chỉ số tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng giữa các vùng chưa được cải thiện; tuổi thọ bình quân của người Việt Nam 73,6 nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ đạt 65 năm, gần 10 năm sống với gánh nặng bệnh tật. Những điều này tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế, an sinh xã hội. Về giải pháp, bên cạnh đầu tư hạ tầng y tế cơ sở, trang thiết bị, cải thiện chất lượng dịch vụ, giải pháp căn cơ là bảo đảm nguồn lực chăm sóc sức khỏe người dân. Vì vậy, đại biểu này đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên y dược với cam kết sau khi ra trường sẽ làm việc dưới sự phân công của Nhà nước.

Miễn học phí với sinh viên ngành y dược, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đạt được nguyện vọng trở thành bác sĩ, đồng thời giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực y tế vùng sâu và y tế cơ sở. Tất nhiên còn một số trường hợp phải bàn như với người có điều kiện, không muốn miễn phí và không muốn bị ràng buộc sau khi ra trường; nhưng đó là một đề xuất có nhiều khía cạnh hợp lý, cần xem xét, bàn luận, quyết định.

Đọc thêm