Đó là nhận định của PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại – Bộ Công Thương nhân ngày Lương thực thế giới năm 2010.
- Thực tế hiện nay có nhiều nước thực hiện chính sách mua, thuê, đầu tư sản xuất lương thực ở nước ngoài do lo ngại về rủi ro trong đảm bảo an ninh lương thực, Việt Nam nên nhìn nhận vấn đề đó như thế nào, thưa ông?
- Đúng là thời gian qua, một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ… đã thực hiện việc mua, thuê, đầu tư các khu sản xuất nông sản rất lớn ở nước ngoài. Với trường hợp của Trung Quốc, có thể thấy từ nhiều năm qua các nhà đầu tư nước này đã mua lại các cánh đồng rộng lớn ở các nước Châu Phi và Trung Đông. Hàn Quốc cũng đã tiến hành đầu tư ở một số điểm nhỏ lẻ ở các khu vực khác nhau trên thế giới.
Còn với Việt Nam, chúng ta đang sở hữu một nền nông nghiệp có truyền thống lâu đời và còn nhiều tiềm năng nhưng lại chưa tận dụng hết các lợi thế của nó. Việc đầu tư ra nước ngoài để sản xuất nông nghiệp đối với Việt Nam cũng chưa được nhìn nhận một cách thực tế và chưa thu hút được sự quan tâm của các cơ quan chức năng.
- Thưa ông, nhu cầu lương thực cho toàn cầu đang là vấn đề nóng ở nhiều diễn đàn quốc tế, Việt Nam lại có một tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp, làm thế nào để chúng ta tận dụng tốt hơn nữa lợi thế đó để phát triển, xuất khẩu và thu ngoại tệ?
- Nước ta là một nước có nhiều tiềm năng lớn về nông nghiệp, tuy nhiên để việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và xây dựng được các thương hiệu mạnh nông sản trên thị trường thế giới là điều không dễ dàng gì.
Trong khi, hiện nông nghiệp nước ta cũng đang đối mặt với sự lấn sân mạnh mẽ của công nghiệp. Các khu công nghiệp thi nhau mọc lên đang “chiếm dụng” một cách nhanh chóng quỹ đất nông nghiệp. Điều đáng nói là, có không ít khu vội vã “san nền” xong rồi bỏ trống, để hoang hóa như vậy nhiều năm nay. Nông dân mất tư liệu sản xuất mà nhà máy công nghiệp thì mãi vẫn không thấy đâu. Diện tích của các khu công nghiệp “treo” như vậy, nhỏ cũng vài ngàn ha, lớn có khi trên dưới cả vạn ha.
- Làm thế nào để nông nghiệp nước ta có thể bứt phá, thoát khỏi tình trạng manh mún và các thách thức trong điều kiện chúng ta đang tiến nhanh vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thưa ông?
- Bài toán này không có lời giải nào khác là phải dựa vào bàn tay của các nhà khoa học. Hiện nay trong khoa học sản xuất nông nghiệp của đất nước còn nhiều lỗ hổng. Thiếu giống mới, quy trình sản xuất phù hợp, quy trình bảo quản, công nghiệp chế biến còn manh mún. Nhu cầu lương thực nước ta hiện nay có thể đảm bảo nguồn cung trong nước, nhưng câu chuyện lúc này phải tính tới, kịp thời hướng vào đẩy mạnh xuất khẩu, bán ra thị trường nước ngoài. Để làm được điều đó đòi hỏi phải có hệ thống bảo quản, lưu kho, bến bãi… đủ mạnh.
Không những thế, trong sản xuất nông nghiệp, các nước trên thế giới đã vươn tới sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao như trong sản xuất đường, dầu sinh học, dầu tinh luyện, chất đốt, vật liệu xây dựng… Đó là những hướng đi hợp lý, là con đường sống cho ngành nông nghiệp và đòi hỏi nền nông nghiệp nước ta phải bắt nhịp, phát triển trong thời gian tới đây. Hiện nay, việc xây dựng các đề tài khoa học trong nông nghiệp còn rất yếu và phi thực tế .
Theo các chuyên gia kinh tế, chúng ta cần đón đầu cơ hội xuất khẩu gạo trong bối cánh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, thiên tai, địch họa khó kiểm soát hiện nay. Hiện nguồn cung gạo của Việt Nam ra thị trường thế giới vẫn chiếm 25% thị trường, lẽ ra chúng ta phải rất chủ động trong xuất khẩu gạo nhưng thực tế lại rất bị động. Điều đó là một yếu kém có hệ thống. Chúng ta thiếu các chính sách để giải quyết một cách “căn cơ” trong vấn đề xuất khẩu gạo.
Thực chất, cách xử lý bài toán xuất khẩu của nước ta chưa có gì thay đổi nhiều. Nếu so sánh chính sách hiện nay và nhiều năm trước chưa có sự thay đổi và điều chỉnh hợp lý. Các chính sách hỗ trợ người nông dân chưa đi vào thực chất và chưa phát huy hiệu quả cao.
- Xin cảm ơn ông!
Thu Trà (thực hiện)