Trên nhiều cung đường chốn núi rừng phía tây tỉnh Quảng Trị, có những người phụ nữ ngày ngày lái xe máy miệt mài mang hàng hóa đến từng thôn bản. Trải bao vất vả, thậm chí là hiểm nguy, họ vẫn lặng lẽ gắn bó với nghề.
Ảnh minh họa. |
Mang niềm vui đến bản nghèo
Hơn 30 năm trước, cuộc sống người dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở miền tây tỉnh Quảng Trị chỉ quẩn quanh chốn thâm sơn, cùng cốc. Chị Kăn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã A Túc, huyện Hướng Hóa kể lại: "Thời ấy, dân bản cứ sáng mở mắt là thấy núi rừng, tối chìm trong giấc ngủ lại mơ đến nương rẫy. Họa hoằn lắm mới có người cuốc bộ ra trung tâm huyện hay về xuôi. Mỗi lần có ai đó lên đường, bà con lại đếm từng ngày mong người ấy mau mau trở lại để được thỏa sức nghe những câu chuyện về phố huyện".
Đường sá xa xôi lại khá hiểm trở nên nhiều năm sau, chuyện ra trung tâm huyện để đi chợ, mua các nhu yếu phẩm cần thiết vẫn khá xa lạ đối với bà con. Một ngày kia, bản làng bỗng rộn ràng hơn khi xuất hiện những người phụ nữ đẩy chiếc xe đạp cọc kệch, vượt đường rừng mang hàng hóa đến bán cho bà con.
Năm tháng trôi qua, bản làng mau chóng thay da đổi thịt. Việc sáng ra phố huyện đi chợ, trưa trở về nhà nấu cơm trở nên khá bình thường đối với một số người. Nhưng, phần đông dân bản vẫn chưa có điều kiện vượt cả chục cây số để mua nhu yếu phẩm cần thiết. Đó là lí do khiến ngày càng có nhiều chị em gia nhập đội ngũ những người đưa hàng hóa đến tận bản. Chiếc xe đạp cà tàng với lèo tèo thực phẩm xưa kia giờ được thay thế bằng "con ngựa sắt dã chiến" chất đầy hàng hóa. Cứ thế, ngày ngày, những người phụ nữ bán hàng lại lái xe máy đi khắp thôn bản, trở thành chợ di động vùng cao.
Sương sớm giăng kín trời, chị Nguyễn Thị Mai (trú tại xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa) đã lục đục thức dậy để ra chợ huyện mua hàng hóa. Sau khi chiếc xe máy được chất đầy thức ăn, bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, chị Mai vội vã lên đường. Xe dừng tại xã Thuận, huyện Hướng Hóa, bà con hớn hở chạy ra tận nơi. Chỉ vài phút, ai nấy đều vui vẻ cầm trên tay thứ hàng hóa mình cần.
Sau đó, người lục túi lấy mấy tờ tiền lẻ được vuốt phẳng phiu để trả, người ngượng nghịu xin khất hoặc bảo chị Mai "đổi" hàng hóa họ vừa mua bằng thứ nông sản nào đó. Chị Mai chia sẻ: "Thực ra, việc đổi chác là chuyện thường ngày. Dân bản có thu nhập thấp, không sẵn tiền mặt. Thế nên, song song với việc bán hàng, mình còn kiêm luôn nghề đổi chác, thu mua nông sản".
Hiểm nguy rình rập
Cách đây chừng nửa năm, vụ việc em Hoàng Thị Liễu (16 tuổi) bị tên Hồ Văn Nghịch hạ sát khi đang đi bán hàng tại xã A Xing, huyện Hướng Hóa khiến bản làng vùng cao như rúng động. Đặc biệt, nhiều chị em bán hàng vô cùng hoang mang sau cái chết đau lòng kia. Thế mới biết "nghề làm chợ di động" chẳng những vất vả, nặng nhọc mà còn tiềm ẩn không ít hiểm nguy.
Lâu nay, đường dẫn đến các bản làng phía tây tỉnh Quảng Trị thường ngoằn ngoèo, lắm ổ voi, ổ gà. Trời nắng, vượt những cung đường này vốn không phải là chuyện đơn giản. Mưa bão kéo đến, con đường càng trở thành chướng ngại lớn hơn. Thế nên, chị em bán hàng rong dù tay lái lụa đến đâu cũng gặp ít nhất vài vụ tai nạn. Chị Nguyễn Thị Mai cho biết: "Do đường xá xuống cấp, nhiều thanh niên lại phóng nhanh vượt ẩu nên hầu như ai bước vào nghề này cũng nếm mùi... tai nạn. Nhẹ thì bị trầy xước, xe hư hỏng. Nặng thì vào viện cấp cứu, có khi còn phải bỏ nghề".
Gần đây, tại các xã vùng cao, đặc biệt là tuyến Lìa, một số thanh niên không có công ăn việc làm tụ tập thành nhóm gây gỗ với người lạ, chặn xe xin tiền, thậm chí là... cướp cạn. Các tên này nhằm vào chị em bán hàng rong vì nghĩ họ có nhiều tiền. Mới đây, chị Hoàng Thị Hồng (trú tại xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa) đi bán thịt lúc sớm sáng đã bị 2 thanh niên chặn đường, hòng cướp túi đựng tiền.
Nhờ nhanh trí, chị Hồng kịp phóng xe bỏ chạy và may mắn thoát khỏi sự truy đuổi của đối tượng. Tuy nhiên, chị Hồng là trường hợp cá biệt đã gặp may mắn và thoát khỏi tay của bọn cướp. Danh sách những người bán hàng bị xin đểu, cướp cạn đang ngày một nhiều thêm…
Tây Long