Chở hàng quá trọng tải, chủ xe có thể bị phạt tới 40 triệu đồng

(PLVN) - Thời gian qua, xe quá trọng tải là một trong những nguyên nhân làm xuống cấp, hư hỏng nhanh chóng các bộ phận kết cấu cầu đường, làm giảm tuổi thọ các công trình đường bộ, gây mất trật tự, an toàn giao thông, khiến cho dư luận nhân dân bức xúc. Vậy, khi xe chở hàng quá trọng tải thì lái xe, chủ xe sẽ bị xử lý như thế nào?
Chở quá trọng tải, chủ xe có thể bị phạt tới 40 triệu đồng

Lái xe bị phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe

Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết, lỗi quá tải là một lỗi rất thường gặp với các xe chở hàng hóa và theo quy định của pháp luật hiện nay mức phạt tiền đối với lỗi này rất nặng. Cụ thể, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe  chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 10% đến 30% (trừ xe xi téc chở chất lỏng), trên 20% đến 30% đối với xe xi téc chở chất lỏng.

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe  chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 30% đến 50%; người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 01 tháng đến 03 tháng.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 50% đến 100%; người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 01 tháng đến 03 tháng.

Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 100% đến 150%; người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 02 tháng đến 04 tháng.

Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 150%; người điều khiển xe còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX từ 03 tháng đến 05 tháng.

Chủ xe có thể bị phạt đến 40 triệu đồng

Bên cạnh đó, Cục CSGT cũng cho biết, khi xe vượt quá trọng tải cho phép thì không chỉ người điều khiển xe, mà cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt, cụ thể mức phạt tương ứng như sau:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức đối với hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 10% đến 30% (trừ xe xi téc chở chất lỏng), trên 20% đến 30% đối với xe xi téc chở chất lỏng.

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức đối với hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 30% đến 50%.

Trong trường hợp chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 01 tháng đến 03 tháng.

Phạt tiền từ 14.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 28.000.000 đồng đến 32.000.000 đồng đối với tổ chức đối với hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 50% đến 100%. Nếu chủ phương tiện là người trực tiếp điều khiển phương tiện còn bị tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 01 tháng đến 03 tháng.

Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 32.000.000 đồng đến 36.000.000 đồng đối với tổ chức đối với hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 100% đến 150%. Trong trường hợp này, nếu chủ phương tiện là lái xe còn bị tước quyền sử dụng GPLX, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ từ 02 tháng đến 04 tháng.

Phạt tiền từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 36.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức đối với hành vi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng vượt trọng tải cho phép của xe trên 150%.

Ngoài ra, nếu phương tiện đó có thùng xe, khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở không đúng theo quy định hiện hành thì còn bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và tem kiểm định của phương tiện từ 01 tháng đến 03 tháng và bị buộc phải thực hiện điều chỉnh thùng xe theo đúng quy định hiện hành, đăng kiểm lại và điều chỉnh lại khối lượng hàng hóa cho phép chuyên chở ghi trong giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành trước khi đưa phương tiện ra tham gia giao thông.

Như vậy, đối với phương tiện chở hàng vượt quá trọng tải của xe ngoài việc xử phạt lái xe thì chủ xe còn có thể bị phạt tiền kịch khung lên tới 40.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và tem kiểm định của phương tiện từ 01 tháng đến 03 tháng. 

Việc tăng mức xử phạt về trọng tải nhằm tăng cường trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đối với công tác quản lý hoạt động vận tải của đơn vị mình. Tuy nhiên, Cục CSGT cho rằng, các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đồng thời tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trên để bảo đảm giao thông được thông suốt, an toàn.

Đọc thêm