Bắt bạc có được tịch thu tiền trong người 'con bạc'?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bạn Ngọc Bính (Hà Nội) hỏi: Bị bắt khi đánh bạc thì công an có được thu giữ tiền trong ví, trong người con bạc hay không?
Luật sư Hoàng Tuấn Vũ.
Luật sư Hoàng Tuấn Vũ.

- Luật sư Hoàng Tuấn Vũ (Công ty Luật TNHH Tuệ Anh) - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết: Trước hết, tịch thu có thể hiểu là một trong những biện pháp xử phạt hành chính hoặc là một trong những biện pháp xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật hành chính, pháp luật hình sự.

Người bị áp dụng biện pháp tịch thu tiền, vật, tài sản khác sẽ bị mất quyền sở hữu đối với tài sản đó. Quyền sở hữu lúc này sẽ thuộc về Nhà nước. Chỉ những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền mới được quyền áp dụng biện pháp tịch thu tiền, tài sản, vật theo luật định.

Số tiền trong người con bạc được quyền tịch thu, tạm giữ, thu giữ nếu có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc quy định tại Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP (mặc dù Nghị quyết này đã hết hiệu lực, chưa có Nghị quyết thay thế nhưng thực tế áp dụng, xét xử vẫn áp dụng tinh thần của Nghị quyết này).

Cụ thể, với câu hỏi của bạn, tạm hiểu việc tịch thu tiền khi bắt bạc của cơ quan có thẩm quyền là việc tịch thu tiền được sử dụng đối với hành vi đánh bạc trái phép. Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên có thể phát sinh 2 trường hợp sau trên thực tế:

Trường hợp bắt bạc để xử phạt vi phạm hành chính: Nếu bạn bị bắt bạc, xử phạt vi phạm theo Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật (tiền, vật dùng để đánh bạc) khi thuộc một trong những hành vi xử phạt sau:

Phạt tiền từ 200 - 500 nghìn đồng đối với hành vi mua các số lô, số đề.

Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật. Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép. Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.

Phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác. Bán số lô, số đề, bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề, giao lại cho người khác để hưởng hoa hồng. Giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép. Bảo vệ các điểm đánh bạc trái phép. Chủ sở hữu, người quản lý máy trò chơi điện tử, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động đánh bạc ở cơ sở do mình quản lý.

Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh bạc sau đây: Rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép. Dùng nhà, chỗ ở, phương tiện, địa điểm khác của mình hoặc do mình quản lý để chứa chấp việc đánh bạc. Đặt máy đánh bạc, trò chơi điện tử trái phép. Tổ chức hoạt động cá cược ăn tiền trái phép.

Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong những hành vi tổ chức đánh đề sau đây: Làm chủ lô, đề. Tổ chức sản xuất, phát hành bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề. Tổ chức mạng lưới bán số lô, số đề. Tổ chức cá cược trong hoạt động thi đấu thể dục thể thao, vui chơi giải trí hoặc dưới các hoạt động khác để đánh bạc, ăn tiền.

Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này. Đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 3 Điều này. Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều này.

Theo đó, nếu việc bắt bạc thuộc một trong những trường hợp tại khoản 1; khoản 2; các điểm a và b khoản 3; các điểm b, c và d khoản 4 và khoản 5 Điều 28 nêu trên, sẽ bị tịch thu toàn bộ số tiền là tang vật của vụ việc.

Đối với trường hợp bắt bạc để xử lý hình sự: Trước hết, nếu số tiền thu giữ được trong vụ án đánh bạc là vật chứng của vụ án thì căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cá nhân có thẩm quyền (ví dụ như Thủ trưởng Cơ quan điều tra...) được quyền quyết định thu giữ, tạm giữ số tiền này.

Vật chứng là tiền bạc, tài sản có được do hành vi phạm tội đánh bạc sẽ bị tịch thu theo quy định tại Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Như vậy, bắt bạc được tịch thu tiền trong người con bạc nếu tiền này được xác định là đã sử dụng, hoặc sẽ sử dụng để đánh bạc trái phép. Đồng thời, hành vi đánh bạc trái phép này bị xử lý hành chính theo Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc tiền này là vật chứng do phạm tội mà có trong vụ án hình sự. Việc tịch thu tiền trong người con bạc phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục luật định.

Đọc thêm