Dự án nói trên có tổng cộng 11 gói thầu xây lắp, do PMU đường Hồ Chí Minh làm đại diện chủ đầu tư. Cụ thể, các Gói thầu xây lắp XL1, XL2 triển khai thi công từ Quý III/2019; các gói còn lại (từ XL3 đến XL11) khởi công Quý I, Quý II/2020.
Hạn chót dự án này phải hoàn thành là cuối năm 2021, nhưng trong các báo cáo gần đây gửi cơ quan chức năng, đại diện chủ đầu tư vẫn chưa dám chắc chắn thời điểm cán đích mà chỉ chừng mực rằng: "dự kiến", "phấn đấu hoàn thành cơ bản" trong Quý IV/2021.
Sự chậm trễ về mặt tiến độ thi công ở đây một phần do trận mưa lụt lịch sử hồi cuối năm ngoái; một phần do vật liệu thi công nền đường đoạn quan miền Trung khan hiếm. Nhưng phải nhấn mạnh rằng, năng lực của một số nhà thầu thi công yếu - là nguyên nhân khiến tiến độ của dự án này thêm chậm.
Cập nhật mới đây cho thấy, sản lượng xây lắp lũy kế đến giữa tháng 5/2021 của dự án là 2.520 tỷ đồng/5.449 tỷ đồng, mới đạt 46 % giá trị hợp đồng.
Hầu hết các nhà thầu thi công tại 11 gói thầu đoạn qua Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã phải nhận cảnh báo chậm tiến độ lần 1 từ PMU đường Hồ Chí Minh. Cá biệt, nhà thầu Hoàng Nguyên (Quảng Trị) đã 3 lần nhận cảnh báo chậm tiến độ, 3 lần gia hạn trong vòng 25 ngày để bù tiến độ nhưng vẫn không đạt.
“Hiện, các nhà thầu chậm kể cả Hoàng Nguyên đã được chúng tôi báo cáo lên Bộ GTVT. Đợi Bộ có văn bản chỉ đạo, Ban sẽ thực hiện”, ông Nguyễn Vũ Quý - Quyền Giám đốc PMU đường Hồ Chí Minh - cho hay.
Được biết, quá trình thực hiện Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ GTVT đã áp dụng các quy định pháp luật về đấu thầu, dựng “hàng rào” kỹ thuật để tìm các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm, tài chính, với quyết tâm không để “lọt lưới” nhà thầu yếu trên cao tốc. Tuy nhiên, thực tế thi công ở một số đoạn tuyến đã, đang không như mong muốn.