Chó nhà 'nổi điên' tấn công người đàn ông 72 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo người nhà cho biết: “Nam bệnh nhân bị chó nhà nuôi cắn từ phía sau, phải mất vài phút mới có thể ngăn cản sự tấn công của con chó”.
Cánh tay của bệnh nhân bị chó tấn công được băng bó. Ảnh: BVCC
Cánh tay của bệnh nhân bị chó tấn công được băng bó. Ảnh: BVCC

Bệnh nhân đến bệnh viện tại Phú Thọ cấp cứu trong tình trạng đau đớn vì các vết thương phức tạp chảy máu nhiều, mất cảm giác tê bì đầu ngón tay, không thể dang ngón tay cái.

Các vết thương chằng chịt tại tay, vai, đùi, lưng, mông... trong đó nghiêm trọng nhất là vết thương tại cẳng tay trái kích thước khoảng 3x3cm, bờ nham nhở, lộ gân cơ, rỉ máu...

Ngay lập tức bệnh nhân được cấp cứu chống sốc, giảm đau, băng bó vết thương, tiêm vắc xin phòng bệnh dại và chuyển phẫu thuật... Việc xử trí vết thương là vô cùng phức tạp do bệnh nhân mất máu nhiều trên nền bệnh suy tim rung nhĩ, vì vậy các y bác sĩ đồng thời phải cân bằng lợi ích với việc dùng chống đông tránh biến cố tim mạch.

Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, được chăm sóc tại khoa Hồi sức cấp cứu và có thể ra viện trong một vài ngày tới.

Qua trường hợp trên các bác sĩ khuyến cáo: Gần đây trên cả nước xảy ra rất nhiều các vụ bị chó tấn công rất nghiêm trọng thậm chí tử vong do bị chó cắn. Điều đáng nói đó là những con chó được nuôi trong gia đình hoặc hàng xóm, thường ngày hay gần gũi và người nhà thường không có đề phòng nhiều với chúng. Các gia đình nếu có nuôi chó cần nhốt, rọ mõm, tiêm phòng đầy đủ và có cảnh báo với người dân xung quanh.

Khi bị chó cắn cần theo dõi chó và ngay lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.

Cách tốt nhất để ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh dại là xử lý vết chó cắn, mèo cắn là làm sạch vết thương và thực hiện tiêm phòng ngay lập tức.

Nếu một người mới bị lây vết cắn động vật thì cần nhanh chóng thực hiện các bước sau:

Rửa ngay vết thương cần với xà phòng và dưới vòi nước chảy liên tục trong thời gian từ 10-15 phút. Nếu không có xà phòng, có thể rửa tạm vết thương bằng nước sạch dưới vòi nước chảy liên tục 15 phút. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.

Vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc dung dịch cồn iod hoặc những thuốc tương tự (nếu có).

Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế ngay lập tức để thăm khám tình trạng và điều trị càng sớm càng tốt.

Đối với vết cắn của động vật, tuyệt đối tránh:

Để các chất kích thích như ớt bột, nước ép hoặc nhựa cây, axit hoặc kiềm dây vào vết thương.

Tránh băng bó, đắp thuốc kín vết thương, tránh khâu vết thương vì có thể khiến virus dại xâm nhập dễ dàng hơn.

Đọc thêm