Hai người tử vong do chó cắn ở Điện Biên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hai người ở tỉnh Điện Biên đều bị chó cắn nhưng không đến cơ sở y tế điều trị dự phòng dẫn đến tử vong.
Hai người tử vong do chó cắn ở Điện Biên

Cụ thể, trong số 2 trường hợp tử vong có 1 người ở bản Nậm Pố (xã Mường Nhé) và 1 người ở bản Nậm Sin (xã Chung Chải). Kết quả điều tra hồi cứu, cả 2 trường hợp đều bị chó cắn trước đó nhưng không đến cơ sở y tế để điều trị dự phòng.

Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Nhé đã lấy mẫu một số đầu chó nghi mắc dại tại tổ dân cư số 2, xã Mường Nhé gửi xét nghiệm; kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu xét nghiệm dương tính với virus dại.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguy cơ dịch bệnh dại xảy ra và gây bệnh trên người tại huyện Mường Nhé là rất cao. Nguyên nhân là do tỷ lệ tiêm phòng dại cho chó tại địa bàn chỉ đạt 28,9%/tổng đàn (1.400 liều).

Trước đó, tại Bình Thuận, người đàn ông 49 tuổi, ngụ huyện Hàm Thuận Bắc bị chó chạy rong cắn. Mặc dù nhân viên y tế cơ sở xử lý vết thương, hướng dẫn đi tiêm phòng bệnh dại nhưng bệnh nhân không đi tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại.

Một tháng sau, bệnh nhân có dấu hiệu đau đầu, mệt mỏi, ho, ói mới đến khám bệnh tại các cơ sở y tế ở Bình Thuận và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM.

Với kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dại, bác sĩ chẩn đoán theo dõi bệnh dại lên cơn, viêm não virus không xác định, ngộ độc và phơi nhiễm rượu, viêm cơ tim cấp, rối loạn khác về cân bằng điện giải và nước. Mặc dù bệnh nhân được tích cực điều trị nhưng sau gần 1 tháng điều trị đã không qua khỏi.

Trong 8 tháng đầu năm 2022, Việt Nam ghi nhận đã có 40 trường hợp tử vong. Để chủ động phòng chống bệnh Dại, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

- Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

- Đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

Đọc thêm