Trong một cuộc hội ngộ tình cờ, bạn bảo: Hậu ly hôn thế nào vậy cậu? Có đáng sợ không? Tớ đã 10 năm sống chung nhà với chồng tớ, nhưng không còn là vợ chồng nữa! Từ khi bé thứ hai ra đời và tớ không chấp nhận sự đào hoa của chồng! Vậy nên, đã 10 năm, chồng tớ vẫn chu đáo chăm lo các con, chu đáo với hai bên nội ngoại. Chỉ bọn tớ là đã xa lạ dù chẳng ồn ào, cãi vã! Thế nhưng, mỗi tối đi làm trở về nhà, vẫn lá sự kinh khủng với tớ! Có những ngày mưa, tớ ngồi trong xe, trước cửa nhà và khóc! Nhưng giờ tớ quyết định rồi, các con đã lớn, tớ sẽ không thể tiếp tục vậy nữa. Có lẽ tớ sẽ đi du lịch một thời gian…
Một người bạn khác, đã gần 20 năm qua, cô sống một mình, không yêu thêm một ai khác kể từ sau ly hôn. Cô phụ trách 50 hãng bay, nghiên cứu thị trường, dịch vụ bay của Hãng hàng không Quốc gia. Khi chồng cô làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, trong một lần nhấn nút cho một hành khách khẩn cấp, cô đã biết đó lần ấn nút giã biệt. Vị hành khách đó là đồng nghiệp và sau đó là vợ thứ của chồng cô…
Một nàng khác, khi giã biệt, cô cùng ba con chuyển nhà từ Bắc vào Nam như một cơn lốc! Những hành lý cần thiết cô chất theo xe gửi bằng đường bộ! Ba mẹ con lên máy bay và bắt đầu một cuộc sống mới. Với tất cả sự bắt đầu lại từ đầu, công việc mới, ba con học hành… ly hôn, là những căn nhà đã từng là tổ ấm, đã từng là tình yêu, những vui vè, hạnh phúc đã lùi xa, là rất nhiều đổ vỡ. Phụ nữ chỉ có thể buông được tay với những ngày đẹp đẽ đã qua, khi đã thật đau!
“Đi du lịch một thời gian”… Nàng nhớ, những ngày tháng ấy, khi nàng phải đối diện, để buông bỏ mọi niềm tin tốt đẹp của mình về hôn nhân, nàng đã đi công tác muôn nơi, lên rừng, xuống biển, xuyên Việt và cả những ngày lạnh giá ở nước ngoài. Nàng đi và miên man nhìn lại cuộc sống của mình! Thế rồi, thời gian đã cho nàng những bình yên sau bão! Không oán trách, chẳng than vãn. Bởi mỗi con người đều sẽ phải đi qua rất nhiều tổn thương. Mọi bài học trong cuộc đời đều đáng giá, chẳng ai trả học phí thay ai được. Khi sự việc xảy ra, mỗi người sẽ tìm thấy một câu trả lời cho riêng mình.
Nàng chợt nhận ra, sự lựa chọn đi xuyên qua đâu đó để nhìn lại thấu đáo một vấn đề không chỉ riêng nàng đã từng. Kể lại câu chuyện ly hôn của mình, nhà văn Phan Việt đã có một hành trình hai năm đơn độc, miên man trong đơn độc. Hai năm băng ngang nước Mỹ này tràn ngập những câu hỏi ly hôn có đúng không? Sẽ bắt đầu lại từ đâu? Vì sao? Cùng với đó là những câu chuyện tìm việc làm vào cao điểm khủng hoảng kinh tế. Những cố gắng để bắt đầu lại; những người bạn và cả những người xa lạ, tất cả làm thành hành trình của một phụ nữ Việt Nam trẻ trên đất Mỹ.
Bởi vì trước, trong và ngay cả đến sau khi đã đưa ra những lựa chọn kiểu như ly hôn với chồng hay bước ra khỏi một mối quan hệ lâu năm, phụ nữ luôn phải trải qua tất cả những cung bậc cảm xúc như lo sợ, nghi hoặc, dằn vặt, tuyệt vọng rồi đau khổ, mặc dù chính họ là người nói chia tay. Có lẽ, phụ nữ luôn là một điều tuyệt đẹp, bởi khi đã đối diện với vấn đề, họ luôn có sức mạnh thẳm sâu, dám đau khổ, dám chấp nhận sự cô độc để thu xếp lại cuộc đời.
Trong khoảng thời gian băng ngang nước Mỹ mà theo Phan Việt “có lẽ là hai năm khó khăn nhất trong cuộc sống của tôi”. Chị đi từ châu Âu về nhà bên bờ Đông nước Mỹ, chuyển từ bờ Đông trở lại Chicago để ly hôn và hoàn thành chương trình tiến sỹ, rồi một mình chuyển đi bờ Tây làm việc cho một trường đại học.
Mặc dù viết lại nỗi đau cũng chính là một lần nữa trải nghiệm nó: “Bất kể bạn ở độ tuổi nào, xuất thân ra sao, mất mát tình cảm đều có những điểm chung mà sự chia sẻ sẽ làm vợi bớt và làm chúng ta mạnh mẽ, độ lượng lên… Ly hôn là câu chuyện có nhân vật nhưng không có anh hùng. Nhưng cuộc sống thật thì như vậy, nó bộn bề và ngổn ngang, dường như phi lý, bất định, thậm chí độc ác vào nhiều lúc. Có điều, những tài sản vô giá mà nó mang lại hình như cũng nằm ẩn trong chính những ngổn ngang, phi lý, bất định đó”…
Dẫu không phải ai cũng vượt qua được những tổn thương trong đời, không ai mong muốn những tan vỡ bỗng một ngày ập đến! Thế nhưng, nàng đã gặp như thế, những người phụ nữ vừa can đảm, vừa mềm yếu luôn là những nụ cười độ lượng, an nhiên! Cuộc sống luôn là như thế, dù hạnh phúc hay khổ đau thì bạn vẫn luôn phải thẳng thắn đối diện, để có một con đường, phù hợp với mỗi người…
Thầy Minh Niệm từng nói: “ Tổn thương là sự thiệt thòi, rất khổ sở để sống với nó, nhưng nó còn là một món quà! Vì chỉ có người bị tổn thương họ mới khát khao sự sống, mới quý sự sống. Chỉ có người bị tổn thương mới hiểu sâu về bản thân và chấp nhận bản thân mình. Chỉ có người bị tổn thương mới đi tìm những liệu pháp để vun đắp cho tâm hồn mình một cách triệt để. Hơn ai hết, chỉ có những người bị tổn thương, mới hiểu được tổn thương”…