Giá lợn hơi vượt mốc 100.000 đồng/kg
Tại các tỉnh phía Bắc, giá lợn hơi ngày hôm qua (29/5) bật tăng mạnh trở lại sau 1 ngày giảm sâu. Cụ thể, giá lợn hơi tại các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai đồng loạt tăng một giá, lên 98.000 đồng/kg. Tại Thái Nguyên cũng ghi nhận giá lợn hơi tăng trở lại, khoảng 97.000 đồng/kg.
Ba địa phương là Hà Nội, Hưng Yên, Ninh Bình, giá đều trên 100.000 đồng/kg. Riêng tại Ninh Bình ghi nhận mức giá 102.000 đồng/kg, cao nhất cả nước. Các khu vực còn lại, giá lợn hơi xuất chuồng đạt khoảng 97.000 - 98.000 đồng/kg. Không có địa phương nào có giá dưới 97.000 đồng/kg.
Tại miền Trung, giá lợn hơi cũng tăng trở lại tại nhiều nơi sau một tuần chững giá. Cụ thể, tại Thanh Hóa, Nghệ An, giá tăng nhẹ 1.000 đồng/kg; tại Hà Tĩnh tăng thêm 2.000 đồng/kg, lên mức 97.000 đồng/kg.
Cùng mức giá xuất chuồng 95.000 đồng/kg nhưng ở Bình Định, giá tăng thêm 1.000 đồng/kg, trong khi Quảng Ngãi là 2.000 đồng/kg. Đặc biệt, Bình Thuận giá tăng mạnh 4.000 đồng/kg lên 97.000 đồng/kg. Tại Khánh Hòa, tuy chỉ tăng thêm một giá nhưng đây lại là địa phương có giá lợn hơi cao nhất miền Trung, với mức giá 99.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá lợn hơi cũng bật tăng trở lại, xuất hiện thêm địa phương đạt giá 100.000 đồng/kg như Long An (tăng 4.000 đồng/kg); Tây Ninh, Bến Tre cũng ghi nhận mức giá 96.000 đồng/kg và 98.000 đồng/kg.
Chỉ có 2 địa phương ghi nhận giá giảm là Cần Thơ (giảm 3.000 đồng/kg, về mức 95.000 đồng/kg); Trà Vinh giảm một giá, xuống 97.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại, giá ổn định trong khoảng 96.000 - 97.000 đồng/kg.
Lần đầu tiên cho phép nhập lợn sống
Trước đó, hôm 27/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đồng ý phương án Cục Thú y phân tích rủi ro nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam dựa trên hồ sơ do các nước xuất khẩu cung cấp.
Công văn của Bộ NN&PTNT nói rõ, sau khi hoàn thành bước đánh giá hồ sơ, Cục Thú y phối hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu liên hệ và tổ chức họp trực tuyến với cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu. Qua đó trao đổi về những vướng mắc, thu thập các thông tin còn thiếu nhằm hoàn thiện quá trình phân tích rủi ro nhập khẩu, thỏa thuận điều kiện vệ sinh thú y và mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.
Bộ cũng lưu ý, các doanh nghiệp nhập khẩu lợn sống phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về kiểm dịch nhập khẩu, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc trong nước. Thực hiện quy định cách ly kiểm dịch lợn sống nhập khẩu 30 ngày.
Cũng theo công văn này, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, việc kiểm dịch nhập khẩu lợn sống từ các nước vào Việt Nam sẽ được thực hiện theo đúng quy định và trình tự hiện hành.
Trước diễn biến giá lợn hơi liên tục tăng cao trong thời gian gần đây, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nguyên nhân chủ yếu vẫn là mất cân đối cung - cầu do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng xác nhận, đây là lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhập khẩu chính ngạch lợn sống. Việc này sẽ được kiểm soát chặt chẽ, tránh hiện tượng nhập khẩu ồ ạt, gây ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường trong nước.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tổng giá trị nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi (thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt) 4 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,36 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2019. Mặt hàng thịt lợn dù đang khuyến khích nhập khẩu với giá trị tăng đến 444,5% nhưng chỉ đứng ở vị trí thứ 4 với 39,7 triệu USD.
Hồi cuối tháng 3/2020, Bộ NN&PTNT đã đưa ra lộ trình giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4/2020; đến cuối quý II và quý III sẽ xuống mức 65.000 đồng/kg và 60.000 đồng/kg. Bộ cũng dự báo phải đến quý III, quý IV năm nay mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu thịt lợn…
Dịch tả lợn châu Phi tái phát tại 20 tỉnh, thành phố
Bộ NN&PTNT vừa có văn bản gửi UBND một số tỉnh, thành phố về việc tập trung kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo Bộ NN&PTNT, từ đầu năm 2020 đến nay dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 155 xã của 20 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 4.000 con lợn. Nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn.
Để khẩn trương kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan diện rộng, khắc phục ngay những khó khăn, tồn tại, bất cập, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tập trung nguồn lực, khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền không chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng…