Chiều 29/11, với 441/448 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,07% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trước khi Quốc hội thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Đáng chú ý, về quy định hạn mức 20% đối với các dự án qua hai kỳ trung hạn, một số ý kiến đề nghị cân nhắc về việc nâng hạn mức chuyển tiếp cho các dự án thực hiện trong 2 kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn liên tiếp từ 20% kế hoạch đầu tư công trung hạn lên 50% do có thể ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn của giai đoạn sau.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý quy định về nội dung trên tại Điều 93 về quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó: quy định tiếp tục giữ quy định về hạn mức 20%; Bổ sung quy định đối với chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội; Bổ sung quy định đối với dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài; Bổ sung quy định cho phép vượt mức 20%: “cấp có thẩm quyền báo cáo để được phép quyết định vượt mức, nhưng không được vượt quá 50% số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước”.
Về các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng, một số ý kiến cho rằng, các chính sách mới được thí điểm trong thời gian ngắn cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm chính sách phát huy được hiệu quả thực tiễn và đề nghị rà soát để quy định chặt chẽ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo: Đối với các nội dung thể chế hoá các chính sách đặc thù đã được Quốc hội cho phép thí điểm, bao gồm: Tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án độc lập; Giao 01 UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đi qua địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên; Cho phép HĐND cấp tỉnh bố trí vốn ngân sách địa phương để uỷ thác thực hiện các chính sách tín dụng thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Chính phủ đã bổ sung báo cáo giải trình về đánh giá tình hình triển khai thực tế, yêu cầu thực tiễn và đề xuất của các bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua, theo đó, việc hoàn thiện chính sách nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong triển khai. Về quy định cụ thể trong dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, tiếp thu các ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, bổ sung quy định để bảo đảm tính chặt chẽ.
Về quy định đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, một số ý kiến đề nghị rà soát để quy định tinh gọn hơn đối với nội dung này, Luật chỉ quy định những vấn đề có tính chất nguyên tắc; các nội dung về trình tự, thủ tục... nên giao Chính phủ quy định chi tiết.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã rà soát, chỉnh lý kỹ lưỡng. Theo đó, lược bỏ 1 điều không có nội hàm tại Chương IV; Lược bỏ nhiều nội dung cụ thể và giao Chính phủ quy định chi tiết về các trường hợp cụ thể, hồ sơ, trình tự, thủ tục đối với các dự án đầu tư công sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.