Thông tin về việc thị trường nội địa có thể sẽ xuất hiện loại pháo hoa giải trí không tiếng nổ đang gây sự chú ý của dư luận, người đồng tình không ít mà ý kiến phản đối cũng khá nhiều. Nếu loại pháo này được sử dụng, có làm người dân thoả mãn sự nhớ nhung, hoài niệm về tiếng pháo nổ năm xưa hay, lại mở đầu cho việc “độc quyền” của nhà sản xuất?
Nhiều nỗi lo
"Tết năm nay có được đốt pháo không tiếng nổ?”, “Pháo không tiếng nổ có an toàn cho người sử dụng?”…đang là những câu hỏi được khá nhiều người quan tâm. Dù chưa có quyết định chính thức của cơ quan chức năng cho phép được sản xuất loại pháo này để cung cấp rộng rãi ra thị trường, nhưng thông tin mà người dân có được không phải là nghe “phong thanh” thiên hạ đồn thổi mà là những sự kiện đã diễn ra trên thực tế.
|
Pháo nổ đã bị cấm vì rất nguy hiểm |
Đó là vào ngày 17/5 vừa qua, Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) đã tổ chức Hội thảo về sản xuất, kinh doanh pháo hoả thuật giải trí. Sau buổi hội thảo này không lâu, tại cuộc họp báo Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng cho biết, Chính phủ sẽ xem xét đề xuất cho đốt pháo hoả thuật giải trí.
Các nguồn tin trên đã kích thích trí tò mò và cả sự hồ hởi, hy vọng sẽ được sử dụng pháo không tiếng nổ của không ít người dân, nhưng bên cạnh đó cũng khiến nhiều người, nhất là các nhà chuyên môn không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Sự lo lắng không phải là không có cơ sở khi mọi người chưa biết cụ thể các thành phần hoá học cấu tạo nên loại pháo này là gì? Nó có ảnh hưởng đến môi trường, an toàn cháy nổ và nguy hiểm cho người sử dụng hay không?
Cách đây gần 20 năm, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 406/CT-TTg (ngày 8/8/1994 ) nghiêm cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, có thể khẳng định đây là một chính sách thành công điển hình, dù chính sách này động chạm đến truyền thống và tập tục đã có từ lâu đời của người Việt.
Kết quả của việc thực hiện Chỉ thị này đã làm thay đổi lớn trong nhận thức của người dân về việc đốt pháo và ai cũng thừa nhận một điều, cấm đốt pháo là một chủ trương đúng đắn, đem lại nhiều lợi ích.
“Bây giờ nếu chúng ta lại cho phép được đốt pháo (dù là pháo không tiếng nổ) thì hoá ra gần hai chục năm qua chúng ta đang làm một việc rất đúng nay lại phải chuẩn bị sửa hay sao? Bản thân tiếng nổ không tự gây nên việc mất trật tự, an toàn cháy nổ, vậy đốt pháo không tiếng nổ có đem lại lợi ích gì? Có thoả mãn sự hoài niệm của người dân nhớ về mùi thuốc pháo năm xưa được không?”- một bạn đọc chia sẻ.
Cùng chung nỗi lo này, Đại biểu Quốc hội Lê Việt trường - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng và An ninh - cho rằng, việc đề xuất cho phép đốt pháo hoả thuật giải trí vào thời điểm này là chưa hợp lý. Ông cũng tỏ vẻ e ngại cho diễn biến của việc này, bởi nếu pháo chỉ tạo hiệu ứng ánh sáng, màu sắc và không có tiếng nổ như nhà sản xuất công bố thì cũng sẽ làm cho tâm lý người dân quay lại với thói quen đốt pháo trước đây.
Cho sản xuất để chống hàng lậu: nhận định chủ quan
Điều đáng chú ý là tại Hội thảo về sản xuất, kinh doanh pháo hoả thuật của Nhà máy Z121 có khá nhiều đại diện của các Bộ, ngành tham gia. Theo đó, hầu hết các ý kiến đều nhất trí cao cho phép sản xuất sản phẩm pháo hoa giải trí để phục vụ nhu cầu nhân dân và quan trọng hơn là giải quyết việc làm cho người lao động, hạn chế sản phẩm pháo hoa giải trí nhập lậu trái phép vào Việt Nam.
Theo ông Phùng Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Hoá chất (Bộ Công thương): “Trong tình hình kinh tế hiện nay đang có nhiều dấu hiệu suy giảm, để tháo gỡ khó khăn này có nhiều cách, trong đó có thể đa dạng hoá các sản phẩm; việc sản xuất pháo hoa giải trí cũng để tạo việc làm cho người lao động, đáp ứng nhu cầu của người dân, ngăn chặn sản phẩm nhập lậu”.
Còn Thiếu tướng Trần Văn Vệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý hành chính về Trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) - cũng nhận định: “Sản phẩm này ra đời góp phần hạn chế sản phẩm pháo hoa giải trí nhập khẩu trái phép hàng năm mà Bộ Công an gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý”.
Không thể phủ nhận thực tế là các cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn trong công cuộc chống hàng lậu, tuy nhiên cũng có một sự thật đáng lo và đáng để chúng ta suy ngẫm hơn, đó là trong khi Việt Nam còn chưa cho phép sản xuất và sử dụng pháo hoa giải trí (hay còn gọi là pháo hoa hoả thuật) thì đã xuất hiện tình trạng nhập lậu nguồn hàng này.
Vậy chẳng lẽ khi Việt Nam cho phép sản xuất và sử dụng pháo hoa giải trí thì hàng lậu sẽ bị triệt tiêu hay sao? Thực tế đã chứng minh rằng, hàng lậu vào Việt Nam ít hay nhiều không phụ thuộc vào việc mặt hàng đó đã được phép xuất hiện trên thị trường nội địa hay chưa mà nó chịu nhiều ảnh hưởng bởi tinh thần trách nhiệm và các biện pháp quyết liệt chống hàng lậu của các cơ quan chức năng.
Bởi vậy, nếu tin rằng việc cho phép sản xuất pháo hoa giải trí sẽ hạn chế hay ngăn chặn tình trạng pháo lậu sẽ là một niềm tin mang tính chủ quan. Thậm chí nhiều ý kiến còn cảnh báo rằng, hàng hàng lậu vẫn đang án binh bất động tại các điểm tập kết, chỉ chờ chúng ta mở cửa cho phép DN trong nước sản xuất là ồ ạt tràn sang, áp đảo thị trường. Lúc ấy các cơ quan chức năng liệu có cam đoan sẽ chặn đứng được tình trạng này hay lại viện lý do vì lực lượng quá mỏng ?
Một lo lắng khác của người dân đó là mặc dù nhà sản xuất nói nói rằng pháo hoả thuật là sản phẩm thân thiện với môi trường, tàn lửa nguội nên an toàn cho người sử dụng; các hoá chất được dùng để chế tạo loại pháo này không gây độc hại, không gây cháy nổ và ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Nhưng sản phẩm này đã được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận an toàn chưa cũng chính là những băn khoăn của không ít đại biểu khi tham dự hội thảo tại Nhà máy Z121.
“Sản phẩm cần có một cơ quan kiểm định và cấp giấy chất lượng sản phẩm, trong đó nêu rõ sản phẩm này không ảnh hưởng đến môi trường và an toàn đối với người sử dụng”- ông Nguyễn Văn Phước, Vụ phó Vụ Nội chính-Văn phòng Chính phủ nêu vấn đề.
Trong khi đó, ông Đỗ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn-Bộ Công thương -yêu cầu đơn vị sản xuất cần xác định rõ các thành phần hoá chất sử dụng để sản xuất các sản phẩm pháo hoa. Đồng thời, ông Vinh cũng đề xuất: “Các sản phẩm do Nhà máy Z121 đang thực hiện theo tiêu chuẩn cơ sở, chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Đề nghị Nhà máy cần phải có kiểm định tiêu chuẩn cơ sở để khẳng định các sản phẩm này đáp ứng về bảo vệ môi trường, an toàn trong quá trình sử dụng”.
Một sản phẩm dù được nhà sản xuất khẳng định an toàn và cũng đã được trình diễn mẫu, nhưng khi nó chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm định và cấp giấy chứng nhận về chất lượng thì ai? cơ quan nào sẽ đứng ra đảm bảo với người dân rằng, sản phẩm này sẽ không gây nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng người sử dụng, đặc biệt là vấn đề về an toàn cháy nổ?./.
Đức Duy