Nữ tỷ phú số 1 Đông Nam Á
Tạp chí danh tiếng Forbes vừa công bố danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới với đại diện của Việt Nam là bà Nguyễn Thị Phương Thảo ở vị trí thứ 44, tăng 11 bậc so với bảng xếp hạng năm ngoái.
Forbes cũng ước tính khối tài sản của mà nữ tỷ phú tự thân duy nhất của Đông Nam Á hiện sở hữu là 2,6 tỷ USD, tăng so với con số 1,98 tỷ USD năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là Chủ tịch HĐQT - Cổ đông sáng lập của tập đoàn Sovico Holdings, Phó Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Vietjet, đồng thời, là Phó Chủ tịch HĐQT thường trực HDBank. Bà là Cử nhân Kinh tế và Tài chính, Tín dụng - Ngân hàng, Tiến sĩ Kinh tế.
Trong năm 2017 và 2018, bà Thảo lần lượt đưa Vietjet và HDBank lên niêm yết trên sàn chứng khoán TPHCM và đây đều là các doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD. Bà hiện người giàu thứ 2 trên sàn chứng khoán Việt Nam.
|
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO VietJet Air |
Đứng đầu danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới của Forbes là Thủ tướng Đức Angela Merkel, kế tiếp là Thủ tướng Anh Theresa May, đứng thứ ba là Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế, bà Christine Lagarde, tiếp đến là Chủ tịch và Tổng giám đốc General Motor - bà Marry Bara. Trong bảng xếp hạng của Forbes năm nay có nữ chủ tịch đầu tiên của sàn chứng khoán New York suốt 226 năm hoạt động kể từ khi được thành lập vào năm 1792, bà Stacey Cunningham ở vị trí thứ 27.
Đây là năm thứ 15 Forbes công bố danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới bao gồm các phụ nữ đến từ các lĩnh vực doanh nghiệp, tài chính, truyền thông, chính trị, các nhà hoạt động xã hội, từ thiện /tổ chức phi chính phủ và công nghệ.
Bảng xếp hạng thường niên của Forbes dựa trên các tiêu chí về tài sản, sự nổi tiếng trên truyền thông, phạm vi ảnh hưởng và tầm ảnh hưởng trong và ngoài lĩnh vực của mình, tầm ảnh hưởng quốc tế. Theo Phó chủ tịch Moira Forbes của Forbes Media, với các hoạt động trên nhiều lĩnh vực, những người phụ nữ này ảnh hưởng rộng lớn, trực tiếp đến hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới.
|
Tổng tài sản của bà Phương Thảo tăng so với năm trước |
Ông Phạm Nhật Vượng top 200, ông Trần Đình Long trở lại
Trên sàn chứng khoán, người giàu nhất (đứng trên bà Thảo) không ai khác chính là ông Phạm Nhật Vượng, chủ tịch Tập đoàn Vingroup. Tài sản của ông Vượng khá ổn định ở mức 6,7 tỷ USD và nằm trong top 200 tỷ phú USD giàu nhất thế giới.
Ông Trần Bá Dương (chủ tịch Thaco) và gia đình có tài sản ổn định ở mức 1,7 tỷ và nằm trong top 1350.
Ông Trần Đình Long đã ngay lập tức trở lại với danh hiệu tỷ phú USD của Forbes chỉ 1 ngày sau khi bị tụt ra khỏi danh sách này. Cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát của ông Long tăng mạnh trở lại nhờ kết quả kinh doanh tốt và tín hiệu mua vào các lãnh đạo.
Theo bảng xếp hạng thời gian thực của Forbes, ông Trần Đình Long đứng thứ 1998 trong số các tỷ phú giàu nhất hành tinh.
|
Ông Trần Đình Long trở lại danh sách tỷ phú USD của Forbes |
Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố doanh thu 11 tháng ước đạt trên 50 ngàn tỷ, lợi nhuận sau thuế khoảng 8,1 ngàn tỷ đồng. Đây là một kết quả khá ấn tượng. Hòa Phát tiếp tục ghi nhận những kỷ lục như sản lượng thép, thị phần,...
Với sự ra mắt của Khu liên hợp gang thép Dung Quất vào năm sau, sản lượng tiêu thụ thép có thể tăng từ 3 triệu tấn hiện nay lên 3,5-4 triệu tấn. Như vậy, trong mảng thép xây dựng, doanh nghiệp của ông Trần Đình Long vẫn ở vị trí số 1.
Trước đó, cổ phiếu HPG đã giảm khoảng 25% kể từ đỉnh cao hồi đầu năm. Đây là lý do khiến khối tài sản của ông Trần Đình Long tụt xuống dưới ngưỡng 1 tỷ USD trong một khoảng ngắn thời gian đầu tháng 12/2018.
Gần đây, quỹ ngoại PENM đang đẩy mạnh bán ra cổ phiếu HPG sau 10 năm gắn bó. HPG đối mặt với triển vọng tiêu thụ thép có thể gặp khó khăn khi Mỹ áp thuế cao và thị trường bất động sản trong nước chùng xuống sau một thời gian tăng nóng và tín dụng vào lĩnh vực này đang bị siết lại.
|
Các tỷ phú USD Việt |
Ông trùm ngành thép Trần Đình Long hiện sở hữu hơn 534 triệu cổ phiếu HPG, tương đương 25,15% vốn doanh nghiệp. Trong cuộc gặp mặt các nhà đầu tư hôm 4/12, ông Long khẳng định không bán ra cổ phần doanh nghiệp mà thậm chí sẽ mua thêm vào.
Thời gian gần đây, ông Trần Quý Thanh được xem là gương mặt người Việt nữa sẽ nhanh chóng lọt danh sách tỷ phú USD. Ông chủ tập đoàn Tân Hiệp Phát gần đây xuất hiện trong cuốn sách tên Competing with Giants (tạm dịch: Cạnh tranh với người khổng lồ) vừa ra mắt với 1 chi tiết cho biết, ông Thanh từng từ chối khoản tiền 2,5 tỷ USD mà Coca Cola đã đề nghị mua cổ phần chi phối từ 7 năm trước.
Ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN) không nằm trong danh sách Forbes 2018 nhưng doanh nhân này cũng được coi là tỷ phú USD. Theo hãng tin tài chính Bloomberg, khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang có khối tài sản 1,2 tỷ USD tính vào thời điểm cuối tháng 1/2018.
Rất có thể, những thủ tục mà Fobes đang theo dõi và tiến hành sẽ sớm vinh danh 2 đại gia này trong danh sách tỷ phú thế giới trong năm nay.