Đúng như tên gọi của nó, chợ trâu Cán Cấu chủ yếu bán đại gia súc như trâu, bò. Đây là phiên chợ trâu lớn nhất miền Bắc, có cả sới chọi trâu giành cho những ngày lễ hội hoặc sự kiện lớn của địa phương. Vào ngày họp chợ nơi đây tập trung cả trăm con trâu từ khắp nơi đưa về. Ở xa, trâu được chở đến bằng xe tải, ở gần thì người ta dắt trâu từng con, từng đàn đi từ trong đêm.
Do số lượng xe, số trâu và khách đến chợ thường rất đông nên dễ gây ùn tắc, có khi người và xe phải mất hàng giờ mới di chuyển được một đoạn đường ngắn vì nhường đường cho từng đàn trâu, bò, đại gia súc đi qua. Phiên chợ Cán Cấu nào cũng mang không khí lễ hội là vậy. Người ta đến chợ không chỉ mua bán mà còn là chơi chợ, đến để cảm nhận, để chiêm ngưỡng sự hoành tráng, sự giàu có của từng đàn, từng lớp đại gia súc vốn là “đầu cơ nghiệp” của các gia đình nông dân Bắc bộ xưa…
Cũng như các phiên chợ vùng cao khác, chợ phiên Cán Cấu không chỉ bán trâu bò mà còn bán cả hàng hóa nông sản của vùng cao. Khu chợ hàng hóa cách chợ trâu không xa. Khác với khu chợ trâu nồng nặc mùi đại gia súc, không khí khu chợ hàng hóa thật thanh sạch, tươi mát vì hội tụ đủ màu sắc rực rỡ của váy áo thổ cẩm, màu xanh mướt mát của rau quả theo mùa. Khắp các con đường dẫn đến chợ nườm nượp dòng người váy áo rộn ràng, không chỉ trai thanh gái lịch, đi chợ còn có lũ trẻ chân sáo vừa đi vừa hát, cả những đứa bé má đỏ như táo chín nằm ngủ gà gật trong quẩy tấu. Những tiếng nói cười, tiếng hát của đồng bào dân tộc ríu ran trong gió…
Những năm gần đây, chợ Cán Cấu còn thu hút một lượng lớn khách đến tham quan, du lịch. Người ta đến chợ để trải nghiệm, để ghi dấu kỷ niệm và để ngắm nhau. Đến chợ Cán Cấu, không phân biệt là người bản địa hay du khách, tất cả đều cùng nhau thưởng thức bát thắng cố bốc hơi nghi ngút, cùng nhâm nhi bát rượu ngô cay nồng cùng những đặc sản của đồng bào vùng cao. Gặp nhau tại phiên chợ độc đáo này, cùng nhau mặc sức say, tạm quên đi những vất vả, bon chen thường nhật để rồi ra về vương vấn mãi không thôi…