Chơi vơi S-Fone

Sau khi đối tác SK Telecom rút khỏi dự án S-Fone từ năm 2010, gần 2 năm qua, Cty cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) vừa nỗ lực tìm cách trụ hạng cho mạng di động CDMA này, vừa lặn lội tìm đối tác mới. Thế nhưng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường viễn thông, con đường của SPT không hề dễ dàng gì.

Sau khi đối tác SK Telecom rút khỏi dự án S-Fone từ năm 2010, gần 2 năm qua, Cty cổ phần dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) vừa nỗ lực tìm cách trụ hạng cho mạng di động CDMA này, vừa lặn lội tìm đối tác mới. Thế nhưng, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường viễn thông, con đường của SPT không hề dễ dàng gì.

Người lao động ở S-Fone Đà Nẵng tập trung đòi quyền lợi.

Chật vật tìm hướng

Chọn công nghệ CDMA – công nghệ có nhiều ưu việt nhưng không “thức thời” trong bối cảnh thị trường viễn thông Việt Nam, có lẽ ngay từ đầu, S-Fone đã nhìn thấy khó khăn của ngày hôm nay, dù rằng không tiên liệu được là ngày đó sẽ đến nhanh đến vậy. Trên thực tế, ngay khi người dùng không có nhiều lựa chọn về thiết bị đầu cuối, S-Fone đã có nguy cơ bị quay lưng, và ngay khi thị trường thiết bị đầu cuối phát triển mạnh mẽ, nguy cơ ấy trở thành hiện thực, đặc biệt trong bối cảnh hàng loạt mạng di động ở Việt Nam và thế giới cũng tuyên bố khai tử công nghệ này.

Hậu SK, SaigonTel đã tham gia đầu tư vào SPT, nhưng những nỗ lực tìm kiếm đối tác của đơn vị này không đem lại kết quả hữu hiệu. Kể từ sau đó, S-Fone trở thành câu chuyện và bài học của bất kỳ nhà đầu tư nào khi quan tâm tới lĩnh vực viễn thông.

Miệt mài tìm đường đi cho cuộc chiến trụ hạng trên thị trường di động, đầu năm 2012, SPT đã xác lập một kế hoạch mang tính cách mạng là “thay máu” công nghệ cho mạng S-Fone. Theo đó, SPT sẽ khai tử công nghệ CDMA để chuyển sang công nghệ HSPA (3G) với băng tần 850 MHz.

Đây quả là quyết định cách mạng của S-Fone, vì để thực hiện, S-Fone phải thay thế gần như toàn bộ mạng vô tuyến và chỉ tận dụng được một số bộ phận cơ bản như truyền dẫn, nhà trạm… Đầu tư mạng 3G mới, S-Fone còn phải thay máy điện thoại cho khách hàng. Những công việc này, theo giới chuyên môn, tốn tới vài trăm triệu đô la, và nếu không có một đối tác hùng mạnh để “bơm” tiền, thì mình SPT làm sao chịu được.

Nhất là khi Vimpelcom phải bỏ chạy khỏi Beeline dù trước đó đặt bao tham vọng, và Hutchison – Hanoi Telecom vận hành Vietnamobile trong nỗ lực tối đa, cùng với bài học cay đắng mà EVN Telecom nhận được sau một thời gian tham gia thị trường.

Trong khi đó, trong những câu chuyện bên lề thị trường, có những lúc các khoản nợ kết nối được đưa ra bàn thảo, và trong các câu chuyện này, S-Fone là mạng thường được đưa ra làm ví dụ nhất.

Đối mặt với khó khăn nội tại

Những ngày qua, S-Fone một lần nữa trở thành điểm được quan tâm trên thị trường viễn thông, bởi lần đầu tiên, một nhà mạng được nhắc tới với thông tin “xù nợ nhân viên”.

Cách đây vài ngày, hơn 30 nhân viên đã từng công tác tại Chi nhánh S-Fone Đà Nẵng đã tập trung tại Chi nhánh SPT Đà Nẵng để yêu cầu Công ty Cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn (SPT) trả nợ cho người lao động. Các nhân viên này từng công tác tại Chi nhánh Trung tâm S-Fone Đà Nẵng.

Ngày 1/3/2012, số nhân viên này nhận được thông báo thuộc diện bị thôi việc do tái cơ cấu công ty. Công ty thông báo là đến ngày 15/4/2012 sẽ hoàn tất thanh lý hợp đồng lao động, nhưng sau đó, Công ty lại 2 lần ra thông báo trì hoãn việc thanh lý hợp đồng, lần thứ nhất là đến 31/5/2012 và lần thứ hai lại tiếp tục trì hoãn đến 11/6/2012 với lý do là để Công ty có thời gian sắp xếp thanh toán Bảo hiểm xã hội (BHXH) và các khoản công nợ với người lao động theo đúng Luật Lao động và Luật BHXH. 

Ngày 11/06/2012, Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài Gòn ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đồng loạt với số nhân viên này, theo đó, cty có trách nhiệm giải quyết các chế độ thôi việc cho người lao động theo đúng pháp luật lao động và các quy định hiện hành của Trung tâm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nhân viên đó vẫn chưa được SPT thanh toán bất cứ khoản nào.

Trước đó, do chây ỳ khoản nợ BHXH TP.HCM với số tiền lớn, tháng 3/2011, BHXH TPHCM đã chính thức khởi kiện Trung tâm điện thoại CDMA thuộc SPT tại TAND Quận 1 TPHCM. Tính đến hết tháng 3/2012, S-Telecom nợ BHXH TP.HCM lên đến 10 tỷ đồng. Nếu gộp chung khoản nợ BHXH của SPT ở 4 địa bàn TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, miền Trung thì tổng số nợ BHXH và các khoản nợ khác rất lớn.

Tình hình đó cho thấy, SPT đang đứng trên bờ vực mà cơ hội “vươn dậy” là vô cùng khó khăn.

Ngọc Anh

Đọc thêm