Chồng đâm chết người khi giải cứu vợ bị bắt cóc: Những người liên quan có thể đối mặt với tội danh nào?

(PLVN) - Luật sư nhận định, các đối tượng trong vụ "chồng đâm chết người khi giải cứu vợ bị bắt cóc" có thể đối diện với 3 tội danh: "Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”; “Bắt giữ người trái pháp luật”; Cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ”.
Thạc sĩ - Luật sư Nguyễn Đào Tơ.
Thạc sĩ - Luật sư Nguyễn Đào Tơ.

Trưa ngày 15/11/2020, 06 người đàn ông trong khoảng 21-35 tuổi mang bình xịt hơi cay, roi điện, gậy sắt đi ôtô từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến quán cà phê của chị Võ Thị Thuý Hằng (29 tuổi) ở xã Long An, huyện Long Hồ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Nhóm này xông vào xịt hơi cay, khống chế, đưa chị Hằng lên ôtô để chở đi. Nạn nhân tri hô và được chồng cùng người thân chạy đến ngăn cản nhóm đàn ông nhưng bất thành.

Trong lúc cấp bách, anh Trần Ngoại Giao (sinh năm 1990) – chồng chị Hằng - tức giận, lấy chĩa sắt dài 1,5 m chạy theo nhóm người "bắt cóc" vợ nhằm “doạ nạt, ngăn chặn hành vi bắt cóc”. Tuy nhiên, anh Giao không may đâm thanh niên 28 tuổi tử vong và đâm trọng thương vùng đầu của hai người khác. Gây án xong, anh này đi đầu thú.

Trong lời khai với cảnh sát, nhóm người cho biết được mẹ của chị Hằng (đang ở huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) thuê đến bắt con gái mang về cho bà.

Theo dõi sự việc, Thạc sĩ - Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng văn phòng Luật sư Hoàng Huy (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) - nhận định: hành vi của các đối tượng sẽ đối mặt với 3 tội danh: "Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng"; “Bắt giữ người trái pháp luật”; Cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ”.


Nhóm hành vi thứ nhất đó là hành vi “đâm tử vong thanh niên 28 tuổi và đâm trọng thương vùng đầu 02 thanh niên khác” của anh Giao.

Vào thời điểm thực hiện hành vi, đối tượng Trần Ngoại Giao đã 30 tuổi nên phải chịu trách nhiệm đối với mọi tội phạm mà mình gây ra (theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015).

Về mặt chủ quan, yếu tố lỗi trong trường hợp này được xác định là lỗi cố ý gián tiếp, cụ thể đối tượng Giao nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả gây chết người của hành vi đó hoàn toàn có thể xảy ra, dù không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho thiệt hại xảy ra trên thực tế. Về mặt khách quan, đối tượng Giao đã có hành vi “đâm tử vong thanh niên 28 tuổi” dẫn đến hậu quả thiệt hại về tính mạng; bên cạnh đó, đối tượng còn thực hiện hành vi “đâm trọng thương vùng đầu – vùng trọng yếu của 02 nạn nhân khác” với hậu quả thực tế chưa xác định.

Các yếu tố trên đáp ứng đủ điều kiện cấu thành tội danh “Giết người”, tuy nhiên cần xem xét đến một số yếu tố sau:

Theo tư liệu được camera an ninh ghi lại, nhóm thanh niên có động thái quyết tâm thực hiện hành vi “Bắt người trái pháp luật” đến cùng, cụ thể có hành động lôi kéo chị Hằng, dùng bình xịt hơi cay để đe doạ và chống trả lại anh Giao, có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng của vợ chồng anh Giao.

Trong tình thế nêu trên, nếu không dùng vũ lực gây thương tích, thậm chí gây thiệt mạng cho nhóm thanh niên, anh Giao khó có thể đảm bảo an toàn cho vợ mình và chính bản thân mình.

Theo đó, Cơ quan điều tra buộc phải xác minh tính cần thiết trong hành vi của anh Giao, cụ thể hành vi tước đoạt tính mạng đó có cần thiết và phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm trong hành vi của nhóm thanh niên hay không. Nếu không thì hành vi của Giao sẽ bị truy cứu với tội danh “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” quy định tại Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017. 

Đối với tội danh này, mức phạt tối đa là phạt tù 02 năm; tuy nhiên nếu có tình tiết là “giết từ 02 người trở lên” thì mức phạt tối đa có thể bị đẩy lên 05 năm tù giam.

Bên cạnh đó, mức hình phạt đối với đối tượng Giao có thể được xem xét khi có tình tiết giảm nhẹ khi đối tượng đã chủ động tự thú sau khi thực hiện hành vi phạm tội (theo điểm r khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017).

Nhóm hành vi thứ 2 là hành vi “Bắt giữ người trái pháp luật” của nhóm thanh niên.

Theo những thông tin ban đầu và trích xuất dữ liệu từ camera an ninh, nhóm thanh niên đã có thái độ quyết liệt thực hiện hành vi “bắt cóc” chị Hằng đến cùng, cụ thể thông qua những hành động như chống trả, sử dụng bình xịt hơi cay với anh Giao.

Đồng thời nhóm thanh niên này cũng không có chức vụ, quyền hạn để bắt giữ người mà chỉ nghe theo lời mẹ chị Hằng nên bước đầu có thể khẳng định hành vi của  nhóm đối tượng này đã mang đầy đủ yếu tố của tội danh “Bắt giữ người trái pháp luật”, quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017.

Khung hình phạt đối với tội danh này tại khoản 1 có mức cao nhất là 03 năm tù giam; tuy nhiên nếu cơ quan điều tra xác minh được yếu tố “có tổ chức” trong hành vi này thì mức phạt cao nhất sẽ là 07 năm tù giam.

Nhóm hành vi thứ ba: hành vi “cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ” của mẹ chị Hằng và nhóm thanh niên.

Đối với hành vi này, tuy chưa xác minh được cụ thể các yếu tố cấu thành tội phạm. Tuy nhiên nếu có thì hành vi của mẹ chị Hằng và nhóm thanh niên có thể bị quy vào tội “cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ” quy định tại Điều 181 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017.

Hành vi vi phạm này nếu không thoả mãn các yếu tố cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật; tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra xác định rõ đây là hành vi phạm tội thì mẹ chị Hằng và nhóm thanh niên có thể bị áp dụng hình thức cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành.

Đọc thêm