Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) phối hợp với Bộ Công Thương vừa tổ chức khóa Tập huấn về Quy tắc Xuất xứ và Tự chứng nhận Xuất xứ trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Hà Nội.
Khóa tập huấn nhằm giới thiệu đến các cơ quan quản lý Nhà nước cấp TƯ và địa phương,cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan về quy tắc xuất xứ, cách thức thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, kiểm tra và xác định xuất xứ một cách hiệu quả nhằm tạo thuận lợi thương mại và chống gian lận xuất xứ, chuẩn bị tốt cho việc thực thi Hiệp định TPP.
Theo Hiệp định TPP, một trong những nghĩa vụ mà Việt Nam phải thực hiện khi gia nhập Hiệp định này là thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Cơ chế kiểm tra và xác định xuất xứ truyền thống quy định cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp giấy chứng nhận xuất xứ(C/O) dựa trên hồ sơ xin cấp của người xuất khẩu.
Cơ quan Hải quan nước nhập khẩu xem xét cho hàng hóa hưởng ưu đãi trên cơ sở kiểm tra tính xác thực của C/O và các quy định về thủ tục hải quan liên quan khác. Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ theo Hiệp định TPP cho phép các nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu hay nhà sản xuất có thể tự khai báo xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn thương mại hoặc chứng từ khác thay thế cho giấy chứng nhận xuất xứ do các cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Quy định này nhằm mục đích tạo thuận lợi cho đầu tư và thương mại giữa các quốc gia đối tác, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh củacác doanh nghiệp và quốc gia thành viên; đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả Nhà nước và doanh nghiệp.
Đây là cơ chế với những quy định và cách thức kiểm tra hoàn toàn mới ở Việt Nam, do vậy, việc được tiếp cận, hướng dẫn thực hiện cơ chế này là rất cần thiết và đóng vai trò quan trọng để Việt Nam có thể tuân thủ cam kết theo Hiệp định TPP cũng như đảm bảo triển khai hiệu quả, tạo thuận lợi thương mại.
Theo dự tính của Bộ Công Thương, chương trình tự chứng nhận xuất xứ này sẽ góp phần làm giảm đáng kể các thủ tục hành chính hiện đang được áp dụng đối với quá trình xin cấp C/O, tiếp tục tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực hạn chế của Nhà nước.
Khóa tập huấn này là một trong các hoạt động mà Dự án USAID GIG cộng tác với Bộ Công Thương nhằm nâng cao năng lực thực hiện Hiệp định TPP cho cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước có liên quan. Dự án sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức khóa tập huấn tiếp theo cho khu vực phía Nam tại TPHCM dự kiến vào cuối tháng 8/2016.