Chống lạm thu đầu năm học - Bài 4: Hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh các nước
Chống lạm thu đầu năm học - Bài 2: Dư luận, phụ huynh, giáo viên 'lên tiếng'
Chống lạm thu đầu năm học - Bài 1: Lùm xùm loạt vụ thu quỹ đến cả tỷ đồng
Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT (Thông tư 55) quy định khá cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và những khoản mà Ban đại diện cha mẹ học sinh được thu và không được phép thu. Tuy nhiên, lạm thu trong giáo dục thường bắt nguồn từ quỹ hội cha mẹ học sinh. Các khoản đóng góp cho nhà trường thường được nêu ra dưới tinh thần "tự nguyện" nhưng đa phần lại thiếu minh bạch, buộc phụ huynh phải đóng tiền theo cách “tự nguyện trong miễn cưỡng”, trở thành nỗi bức xúc của nhiều phụ huynh. Đã có luồng ý kiến cho rằng nên xem xét việc loại bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh để ngăn chặn hiện tượng trên.
Ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) của Quốc hội trao đổi liên quan vấn đề này.
- Ông nhận định như thế nào về thực trạng lạm thu hiện nay?
Ông Lê Như Tiến: Khi còn là đại biểu Quốc hội khóa 12, 13, là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục, Tôi đã cảnh báo trên nghị trường rất nhiều về lạm thu đầu năm trong giáo dục khi phụ huynh lại "lao đao, khốn khó" vì chuyện đóng học phí và các khoản thu khác cho học sinh. Trước đây, thi thoảng mới có một vài sự việc liên quan đến lạm thu và lạm thu có thể dừng ở mức độ 5-10% nhưng gần đây lạm thu có chiều hướng gia tăng; cả ở mức độ, cường độ, phạm vi rộng hơn rất nhiều, danh mục lạm thu có vẻ ngày càng dài hơn.
Trong khi nhà nước dành 20% tổng thu ngân sách nhà nước cho giáo dục và chúng ta đưa ra rất nhiều khẩu hiệu như “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho con người”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, “giáo dục là quốc sách”, đây lẽ ra phải trở thành phương châm chỉ đạo nhưng dường như một số nhà trường, thầy cô đã lãng quên điều này.
|
Ông Lê Như Tiến trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam |
TS. Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho rằng: "Không thể bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, bởi vì các nước phát triển vẫn duy trì tổ chức này. Đó là bộ phận nối dài, kết nối giữa nhà trường và toàn thể cha mẹ học sinh. Một lực lượng không thể thiếu được trong giáo dục học sinh. Chúng ta không thể không quản lý được là cấm không cho tổ chức hoạt động. Cần điều chỉnh Thông tư 16 cho khả thi hơn".
Ban đại diện cha mẹ học sinh ra đời đã hơn 10 năm với vai trò phối hợp với nhà trường để thực hiện các hoạt động giáo dục. Vậy ông đánh giá thế nào về vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh?
Ông Lê Như Tiến: Ý nghĩa ban đầu của Ban đại diện cha mẹ học sinh rất tốt đẹp. Đó là cầu nối, là trung gian giữa nhà trường với học sinh; vừa thay mặt phụ huynh để chăm lo cho các em, vừa thay mặt nhà trường để làm cầu nối với các phụ huynh khác, phục vụ chủ yếu cho việc nâng cao chất lượng đào tạo; nhưng dần dần mô hình này gần như bị biến tấu, chỉ xuất hiện “xuân thu nhị kỳ” đến để thu tiền, có khi chỉ để các dịp 20/11, 20/10, lễ tết khác... thăm hỏi thầy cô. Gần đây phụ huynh phàn nàn nhiều và có vẻ ban đại diện này “nghiêng” về phía nhà trường nhiều hơn là “nghiêng” về phụ huynh học sinh, quan tâm nhiều đến vấn đề tài chính hơn là việc làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy và học. Họ đang "lệch" với tôn chỉ, mục đích ban đầu.
- Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến việc nhiều Ban đại diện cha mẹ học sinh đang đi "lệch" với tôn chỉ, mục đích ban đầu?
Ông Lê Như Tiến: Nói đến kinh tế thị trường thì bao giờ cũng là câu chuyện liên quan đến tiền bạc, nhưng phải phân rõ cái nào của nhà trường, cái nào là nhà nước phải đầu tư (ở đây không phải chỉ nhà nước trung ương mà quản lý nhà nước tại địa phương như ngành giáo dục của tỉnh, HĐND – UBND tỉnh phân bổ chi tiêu ngân sách hằng năm vì luôn có một phần ngân sách chăm lo cho giáo dục, chứ không phải hỏng điện, hỏng nước, vệ sinh cũng đổ lên đầu phụ huynh học sinh). Tất cả những khoản thu tôi kể ở trên là trách nhiệm của nhà trường, của cơ sở giáo dục đào tạo. Tôi thấy dần dần nhiều khoản chi của nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương và địa phương thì lại thành chuyển sang cho đại diện phụ huynh học sinh, phụ huynh đứng ra để lo toan, đó là sai về mục đích.
Tôi được biết Bộ GD-ĐT đã có thông tư hướng dẫn và nêu rõ bao nhiêu khoản không được thu, thế nhưng ở dưới các cơ sở giáo dục đào tạo, các phòng giáo dục địa phương, sở giáo dục vẫn chỉ đạo thu, như vậy là sai, “trên bảo dưới không nghe”.
Chúng ta có cơ quan quản lý nhà nước các cấp, ở Trung ương thì có Bộ GD-ĐT, ở địa phương thì có UBND các tỉnh, thành phố và tham mưu là sở GD-ĐT, ở huyện, quận thì có phòng giáo dục tham mưu. Thế nhưng vai trò của họ như thế nào? Bên cạnh đó còn có các cơ quan thanh tra, kiểm tra ở các địa phương đều có, tại sao thấy vi phạm mà không thổi còi? Ngoài ra các cơ quan khác như MTTQ và các tổ chức thành viên cũng là tai mắt, giám sát và phản biện xã hội... Địa phương nào các cơ quan quản lý làm tốt vai trò thì sẽ hạn chế rất nhiều và dần dần tiến tới chấm dứt được lạm thu.
Những khoản nào được phép thu thì vẫn phải thu. Chúng ta không cực đoan nói là ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu bất kỳ khoản nào. Những khoản tiền chăm lo, tạo điều kiện cho các em về sức khỏe, học tập tốt hơn thì rất thiết thực. Nhưng đây chỉ là "phụ gia" thôi chứ không thể từ "phụ gia" lại thành "chính gia". Ban đại diện cha mẹ học sinh không thể làm thay cơ quan quản lý nhà nước, như vậy là sai với tôn chỉ mục đích ban đầu.
- Phần nhiều các vụ việc lạm thu đầu năm đều liên quan đến việc Ban đại diện cha mẹ học sinh. Vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh nói chung đối với hoạt động giáo dục được đánh giá là mờ nhạt, không xứng với kỳ vọng ban đầu. Đã có ý kiến cho rằng nên xem xét việc loại bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, ý kiến của ông về việc này như thế nào?
Ông Lê Như Tiến: Theo tôi, không phải cái gì làm không tốt thì loại bỏ. Bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh là cực đoan. Chúng ta không vì một số nơi làm chưa tốt mà loại bỏ tất cả, không phải vì không quản lý được thì cấm. Họ làm sai với quy định ban đầu thì phải uốn nắn để họ làm đúng tôn chỉ. Một số trường tôi được biết qua phản ánh của phụ huynh thì ban đại diện là “cánh tay nối dài” của nhà trường chứ không phải là “cánh tay nối dài” của phụ huynh, hiện tượng này cần chấn chỉnh. Thực tế, có nhiều ban đại diện cha mẹ học sinh làm rất tốt, hà cớ gì phải loại bỏ. Cả nước rất nhiều ban đại diện phụ huynh học sinh thì không nên để “con sâu làm rầu nồi canh”, số làm không tốt, bị phản ánh không phải là toàn bộ. Cho đến bây giờ, cơ quan chủ quản là Bộ GD-ĐT cũng chưa có văn bản nào nói đến việc bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Ông Phạm Hồng Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương: "Giáo dục học sinh bây giờ phải đầy đủ 3 yếu tố: nhà trường, gia đình và xã hội. Nếu bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh giống như bỏ sự gắn kết giữa nhà trường với xã hội, với phụ huynh học sinh. Ở góc độ quản lý thì không naên bỏ và cũng không bỏ được. Ban đại diện cha mẹ học sinh càng hoạt động tích cực thì sẽ càng góp phần vào việc giáo dục học sinh. Hiện nay tình trạng học sinh vi phạm pháp luật xu hướng phức tạp khi nhiều bố mẹ gần như phó mặc con em cho nhà trường vì mải đi làm (sáng đi, tối mịt mới về hoặc ađi làm xa quê). Nếu nhà trường và cha mẹ học sinh không có thông tin qua lại thì học sinh rất dễ vi phạm pháp luật...”.
Liên quan đến thực tiễn hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, độc giả Báo Pháp luật Việt Nam đang chờ cơ quan chủ quản là Bộ GD-ĐT "lên tiếng".
* Mời Quý độc giả đón đọc: Chống lạm thu đầu năm học - Bài 6: Chuyên gia 'hiến kế'