Chóng mặt - lừa đảo mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một ngày, chị Hải Anh (Hà Nội) nhận được tin nhắn làm quen qua facebook của một chàng trai “bị vợ bỏ” và đang “gà trống nuôi con”. Chàng kém chị 6 tuổi. Sáng sáng, chàng đưa con đi học (có tài xế riêng) và facetime với chị. Chàng nghiêm túc, điển trai, rủ rỉ tới nỗi chị đã nghĩ hay chàng phải lòng mình thật…
Tội phạm mạng lừa đảo có kịch bản và có hội nhóm.
Tội phạm mạng lừa đảo có kịch bản và có hội nhóm.

Chỉ “tâm sự”, không đầu tư

Chị Hải Anh ban đầu vốn dĩ đã biết tới những chiêu lừa tình này nên chị cũng thử trò chuyện hàng ngày xem diễn biến tới đâu. Và tình cảm của chàng tăng nhanh với tốc độ ánh sáng. Chị cũng nói mình đang có gia đình hạnh phúc, kinh tế chồng lo nên chỉ tâm sự cho vui thôi (chị ở Hà Nội, chàng ở TP HCM).

Nhưng sang ngày thứ hai chàng đã ngỏ lời yêu và rủ cùng giúp nhau “việc nhẹ, lương cao”. Ngày thứ ba chàng nhờ chị làm giúp cho phần việc của chàng, vì chàng có việc đột xuất. Vốn là một kế toán, nên công việc đó với chị đơn giản. Đó là một công ty có tên miền tận Mỹ. Chỉ sau hai giờ làm giúp chàng, chị đã thấy tài khoản của chàng được đổ vào khoảng 70 triệu đồng.

Ngày hôm sau, chàng nhờ tiếp, tài khoản vẫn được đổ vào số tiền 70 triệu. Và rồi chàng ráo riết rủ chị đầu tư. Nghĩa là muốn có công việc như chàng, chị phải chuyển vào một số tiền nhất định, thấp nhất 1 ngàn USD, tiền càng đầu tư nhiều chị hưởng phần trăm càng lớn…

Chị vẫn kiên định thỏ thẻ chị tiêu hoang và cũng không biết giữ tiền, nên chồng là người “tay hòm chìa khóa”, chị không phải lo kinh tế nên không bận tâm kiếm tiền… Đến nước này, không được tiền thì chàng đòi… chát sex! Đương nhiên, chị chặn ngay và “cuộc tình” 7 ngày không còn chút dấu vết…

Những kiểu lừa tình như trên không hề hiếm gặp và có rất nhiều phụ nữ đã sa bẫy. Thậm chí, các chàng còn đang bị lưu lạc ở các nước có chiến tranh, chuyển tiền gấp để chàng lấy vé về nước gặp “tình yêu”…

Vào tháng 6 năm 2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đã khởi tố và bắt tạm giam T.A.S (44 tuổi, trú tại xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Được biết, T.A.S đã lừa tình và tiền bạc của 7 người phụ nữ.

Thủ đoạn của T.A.S là lập một tài khoản trên mạng xã hội Facebook, giới thiệu bản thân có công ăn, việc làm ổn định đàng hoàng, sống cùng gia đình với bố mẹ đã nghỉ hưu, anh chị là giáo viên. T.A.S thường xuyên lên mạng, tìm kiếm các đối tượng, đó là những phụ nữ nhẹ dạ, cả tin, thiếu thốn tình cảm. Khi “con mồi” đã “cắn câu”, S giới thiệu mình là người độc thân, ngoài làm công ăn lương, còn mở thêm một công ty bên ngoài.

Sau khi đã hẹn hò với các nạn nhân, S sẽ dùng lý do công ty đang gặp khó khăn để vay tiền, đi kèm những lời “đường mật” hứa hẹn. Đặc biệt, S chỉ nhận tiền mặt, không nhận chuyển khoản để dễ dàng xóa dấu vết. Cuối cùng, khi thấy nạn nhân đã “kiệt quệ” tiền bạc, S lấy lý do chia tay, nếu nạn nhân đòi tiền, đối tượng sẽ gọi điện hăm dọa, chửi bới. Tổng số tiền mà S đã lừa của các nạn nhân lên đến 2,5 tỷ đồng.

Đặc biệt, hiện nay, có một phương thức lừa tình qua mạng đang “nở rộ”, đó là thủ đoạn mạo danh người nước ngoài kết bạn qua mạng xã hội, rồi giả vờ gửi quà về Việt Nam nhằm chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, những đối tượng này sẽ tự giới thiệu mình là sĩ quan, bác sĩ, doanh nhân, luật sư… người nước ngoài dùng mạng xã hội để kết bạn, tìm kiếm tình yêu.

Khi có được sự tin tưởng của nạn nhân, những đối tượng này thường “đánh” vào lòng tham, nói rằng sẽ gửi vàng, tiền đô la hoặc các món quà giá trị về Việt Nam. Một thời gian sau, nạn nhân sẽ nhận được cuộc gọi từ “nhân viên hải quan” yêu cầu nộp tiền phạt từ vài chục cho đến vài trăm triệu, lý do kiện hàng bị giữ lại vì có lượng tiền đô quá lớn hoặc các vật phẩm giá trị. Nếu như nạn nhân “dính bẫy” và chuyển tiền một lần, chúng sẽ yêu cầu thêm nhiều lần khác để vắt kiệt “con mồi”…

Thông thường, đối tượng tìm và tiếp cận mục tiêu thông qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, trang web hẹn hò hoặc diễn đàn. Kẻ lừa đảo tạo một hồ sơ giả mạo, sử dụng hình ảnh đánh cắp của người khác với ngoại hình đẹp và lôi cuốn. Sau đó sử dụng các chiêu trò lừa đảo để thu hút sự quan tâm của nạn nhân.

Đối tượng lừa đảo tạo một mối quan hệ tình cảm giả với nạn nhân bằng cách sử dụng các chiêu trò như tán tỉnh, chia sẻ câu chuyện cảm động hoặc đưa ra lời hứa. Tiếp đó, sẽ dẫn dụ nạn nhân gửi hình ảnh video nhạy cảm (sau đó dùng những hình ảnh này để đe dọa, tống tiền nạn nhân). Một số kẻ lừa đảo tinh vi thì sử dụng nhiều cách khác nhau để thuyết phục nạn nhân tham gia đầu tư vào thị trường tài chính Forex thông qua một sàn giao dịch giả mạo mà kẻ lừa đảo kiểm soát…

Nhiều vụ lừa đảo với hình thức mới

Thời gian qua, dù cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh các cơ quan tư pháp luật như: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn có không ít người “sập bẫy”. Theo các chuyên gia, phương thức lừa đảo hoàn toàn mới, ngày càng tinh vi, khó lường và nguy hiểm hơn, gây thiệt hại nặng nề hơn cho người dân và các tổ chức.

Cũng theo thống kê, hiện tại có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng, nhắm vào các nhóm đối tượng là người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng.

Tại Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng mới đây, Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an cho biết, hiện có đến 80% người trưởng thành tại Việt Nam sử dụng internet. Đây là môi trường lý tưởng cho các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng hoạt động.

Các loại tội phạm này có thủ đoạn rất tinh vi, thường đặt máy chủ ở nước ngoài như Campuchia... thuê đất lên đến 90 năm, có những lãnh địa riêng khiến ngay cả công an của nước sở tại cũng khó thâm nhập. Do đó, công tác đấu tranh với loại tội phạm này thực sự gặp nhiều thách thức. Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết, năm 2023, A05 tiếp nhận hơn 5.300 vụ việc từ các nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tổng số tiền thiệt hại hơn 2.487 tỷ đồng.

Theo Trung tướng Nguyễn Minh Chính, các phương thức lừa đảo chính như sau: Tuyển cộng tác viên tham gia kinh doanh, bán, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử chiếm 44,7%; phát tán mã độc chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội chiếm 17,73%; gọi điện giả danh lực lượng chức năng như công an, toà án, nhân viên ngân hàng… chiếm 11,56%; tạo lập sàn giao dịch kêu gọi đầu tư tiền ảo, chứng khoán chiếm 13,2%; giả danh công ty tài chính tải ứng dụng vay tiền 8,6%; lừa đảo khác chiếm 4,7%. Trong đó, A05 đã khởi tố 15.00 vụ án với hơn 500 bị can liên quan đến lừa đảo trực tuyến.

Thống kê trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến trong năm 2023, gây thiệt hại hơn 390 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; trong đó 91% liên quan đến lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.

Công ty an ninh mạng Singapore Group-IB công bố vụ tấn công lừa đảo sử dụng 240 tên miền liên kết giả mạo nhằm mạo danh 27 tổ chức tài chính, ngân hàng của Việt Nam để thu thập thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng từ năm 2022 đến nay; chợ đen mua bán thông tin thẻ tín dụng Biden Cash đã công khai trực tuyến cơ sở dữ liệu miễn phí gồm trên 2 triệu thẻ ghi nợ và tín dụng.

Tại Hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện nay 95% các giao dịch của hệ thống ngân hàng thực hiện trên kênh số, chỉ 5% là tại quầy, kệ. Tổng giá trị giao dịch hiện nay là khoảng 200 triệu tỷ đồng/năm. Nếu chia cho ngày làm việc thì 830 ngàn tỷ đồng/ngày, tương đương hơn 40 tỷ USD.

Theo ông Dũng, hiện nay thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông có 24 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhưng qua thực tiễn hoạt động của ngành ngân hàng có thể rút ngắn thành 3 phương thức chính như sau: thao túng tâm lý để bị hại tự gửi tiền đến tài khoản chỉ định; chiếm dụng thiết bị của người dùng và sau đó chuyển tiền đi; lấy thông tin xác thực của người dùng để cài sang thiết bị khác…

Ông Dũng cho biết, với ngành Ngân hàng, mất thông tin, dữ liệu là mất tiền. Bởi vậy, thời gian tới đây Ngân hàng Nhà nước sẽ làm nhanh và siết chặt xác thực sinh trắc học và làm sạch dữ liệu khách hàng.

Theo đó, từ ngày 1/7/2024, tất cả giao dịch ngân hàng trên 10 triệu phải xác thực khuôn mặt của người giao dịch xem có chính xác với khuôn mặt của người mở tài khoản hay không (xác thực sinh trắc học). Khuôn mặt của chủ tài khoản phải được xác thực với căn cước công dân gắn chíp do Bộ Công an quản lý. Giải pháp này mang đến lợi ích sau: người mở tài khoản và thực hiện giao dịch không bị giả mạo giấy tờ tuỳ thân. Khi chưa có căn cước công dân gắn chíp thì tình trạng giả mạo giấy tờ này có thể nói là nhức nhối. Khi khách hàng mở tài khoản, giao dịch viên rất khó để xác minh chứng minh thư thật - giả. Đặc biệt, nếu thẻ căn cước không gắn chíp mà chỉ có phôi nhựa thôi rất dễ bị làm giả…

Đồng thời, Trung tướng Nguyễn Minh Chính cho biết, ngành Công an cũng tích cực phối hợp với các Bộ/ngành dẹp nạn sim “rác”, tài khoản ngân hàng “rác”. Chỉ trong tháng 4/2024, A05 đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông gỡ hơn 2.100 tài khoản mạng xã hội có dấu hiệu lừa đảo. Cục trưởng A05 nhấn mạnh, đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng phải là thế trận toàn dân. Trong đó, người dân cũng cần tích cực nâng cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội, tránh tình trạng ngay cả khi mất tiền cũng không rõ nguyên nhân vì sao.

Ngoài ra, Trung tướng Nguyễn Minh Chính cũng khẳng định sự phối hợp giữa các Bộ/ngành trong đấu tranh với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng cần được cải thiện. Bởi lẽ, các cơ quan/ban ngành làm việc theo các quy định hành chính nhưng tội phạm mạng thì biến đổi từng giây, từng phút; hành động chỉ thông qua vài cú click chuột…

Đọc thêm