Chống người thi hành công vụ, lĩnh 12 tháng tù

(PLO) - Khi nhà nhà, người người đang nô nức chào đón một cái Tết sum vầy, đầm ấm thì cô gái ấy lại phải ra đứng trước vành móng ngựa. Suốt phiên tòa, cô gái không ngừng khóc lóc và kêu oan rằng mình không phạm tội.

Theo hồ sơ vụ án, ông Dương Đăng (ngụ xã An Trường, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) có mua mảnh đất của một người dân ngụ cùng xã vào năm 1958 với diện tích 6.300m2 và được chế độ cũ cấp giấy tờ công nhận. 

Đất này được gia đình ông Đăng sử dụng liên tục, có đóng đầy đủ các loại thuế cho Nhà nước. Sau giải phóng, đại diện UBND xã An Trường có mượn một phần đất này để làm nhà kho, trạm xá tạm thời và hứa sau này sẽ trả lại.

Tuy nhiên, sau khi di dời các công trình trên thì chính quyền địa phương nơi đây không chịu trả lại đất như đã hứa mà cho rằng đây là đất thành quả cách mạng. 

Quá bức xúc, gia đình ông Đăng đã làm đơn khiếu nại tới các cấp chính quyền, đến năm 1995, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh có quyết định bác bỏ việc đòi lại đất của gia đình ông Đăng. Năm 2012, chính quyền nơi đây phân lô, đưa ra bán đấu giá khu đất này.

Không đồng ý với cách giải quyết đó, suốt mấy chục năm qua, gia đình ông Đăng vác đơn kêu cứu từ địa phương tới Trung ương với mong muốn công lý sẽ được sáng tỏ. 

Ngày 12/4/2015, Thanh tra Chính phủ cùng địa phương đã có buổi đối thoại với gia đình ông Đăng. Tại đây, con dâu ông Đăng (là Nguyễn Thị Ngọc Sương, SN 1955, được ông Đăng ủy quyền) đã đồng ý nhận 2 nền tái định cư trên phần đất của mình. 

Tưởng rằng chỉ phải đóng vài triệu đồng mỗi nền, ai ngờ bà phải đóng gần 200 triệu đồng cho cả hai nền này, trong khi đó các lô đất tại đây chính quyền địa phương bán cho các hộ khác chỉ với giá khoảng 150 triệu đồng.

Ngày 31/7/2015, UBND huyện Càng Long có quyết định về việc giao đất cho các hộ dân đã mua. Khoảng 8h sáng cùng ngày, đoàn công tác tới thực địa để giao đất. Những hộ mua đất có thuê một chiếc xe cuốc tới để phá bỏ chuối mà gia đình bà Sương đã trồng bấy lâu.
Cho rằng đất này là của cha ông, đang trong thời gian khiếu nại nhưng địa phương lại phân lô bán nền cho các hộ khác với giá rẻ, trong khi mình lại phải đi mua chính đất của mình nên bà Sương cùng nhiều người thân, trong đó có con gái là Dương Thị Thanh Hà (SN 1982) ra ngăn cản.

Theo đó, khi xe cuốc vào vườn chuối, bà Sương cùng Hà chạy lên ngồi trên bánh xe cuốc nhằm không cho đoàn công tác phá bỏ chuối, đồng thời la hét, chửi bới đoàn công tác. 

Trước hành vi đó, đoàn công tác đành rút về. Đến khoảng 12h30 cùng ngày, đoàn công tác tiếp tục tới thực địa để vận động, giải thích pháp luật cho gia đình bà Sương, nhưng vẫn gặp phải sự chống đối của mẹ con bà Sương. 

Trưởng đoàn công tác đã cử hai cán bộ phụ nữ tới đưa mẹ con bà Sương ra. Tuy nhiên đã bị Hà chống đối, cắn vào tay, hai cán bộ đoàn công tác bị bầm tím. Sự việc được báo cáo lên cơ quan chức năng và Hà bị nhà chức trách khởi tố, truy tố về hành vi chống người thi hành công vụ.

Một ngày cận Tết Bính Thân 2016, phiên tòa được mở với sự tham dự của rất đông người. Trả lời Hội đồng xét xử (HĐXX) vì sao lại có hành vi nhảy lên xe cuốc và cắn hai cán bộ, bị cáo Hà đáp: 

“Đất đó là của ông nội tôi, có giấy tờ hợp pháp từ chế độ cũ, vậy tại sao chính quyền địa phương lại đem bán cho nhiều người khác? Tôi ra đó là nhằm bảo vệ tài sản của gia đình tôi. Tôi không hề cắn ai cả. Họ không hề giải thích, vận động gì hết mà xông vào lôi, kéo làm rách áo mẹ tôi, đánh cùi chỏ, đá vào bụng khiến tôi ngất xỉu. Hôm đó có rất đông người chứng kiến, gia đình tôi đã yêu cầu lập biên bản, sao không ai chịu lập?...”.

Đáp lại, vị chủ tọa giải thích rằng, vấn đề đất đai của gia đình bị cáo đã được các cấp giải quyết. Đất này là của ông nội bị cáo, đã ủy quyền cho mẹ bị cáo, nếu được giải quyết thì cũng chỉ mẹ bị cáo mới được chứ bị cáo không có quyền gì mà ra để ngăn cản hành vi công vụ của đoàn công tác cả. Hành vi của bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội chống người thi hành công vụ…
Phiên tòa diễn ra hết sức căng thẳng suốt cả ngày trời, bị cáo và mẹ bị cáo liên tục đề nghị HĐXX triệu tập thêm nhân chứng vì cho rằng nhân chứng mà cơ quan điều tra lấy lời khai, tòa triệu tập đều là không khách quan, trong khi đó những nhân chứng là bà con hàng xóm xung quanh chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc lại không được triệu tập. Tuy nhiên đề nghị này đã không được HĐXX chấp nhận.
Bị cáo và mẹ bị cáo gào khóc, trưng ra tấm áo rách bươm vì bị giằng co rồi gào khóc thảm thiết và đặt ra nhiều câu hỏi với HĐXX. Chưa hết, họ quyết liệt đề nghị HĐXX phải mở đĩa ghi hình mà họ đã ghi lại được tại hiện trường ngày hôm đó để xem cụ thể bị cáo có hành vi chống người thi hành công vụ hay không. HĐXX im lặng một lúc rồi chuyển qua hỏi vấn đề khác.
Kết thúc phiên tòa, bị cáo Dương Thị Thanh Hà bị tuyên phạt 12 tháng tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ”. Vậy là cái Tết này bị cáo và gia đình lại thêm một nỗi buồn lo, vì phải tìm cách kháng cáo bản án, vừa phải tiếp tục con đường tìm lại công lý mà họ đã mòn mỏi theo đuổi suốt mấy chục năm qua./.

Đọc thêm