5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản
Theo Báo cáo về công tác PCTN năm 2017 do Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày, năm 2016, trong hơn 1,113 triệu người kê khai tài sản, thu nhập; đã có hơn 1,111 triệu bản được công khai; đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản đã kê khai. Trong đó, đã xác minh, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, bao gồm cả cán bộ cao cấp. Năm 2017, 39 người đứng đầu đã bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm, để xảy ra hành vi tham nhũng, tăng 28 người so với năm 2016.
Trong năm qua, TAND các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 345 vụ án liên quan đến tham nhũng, với 799 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 205 vụ, 433 bị cáo, tăng 5,7% số vụ. Có 8 bị cáo bị tuyên án tử hình, chung thân, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2016. Các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỷ đồng…
Thẩm tra báo cáo, Ủy ban Tư pháp của QH tán thành với đánh giá của Chính phủ cho rằng tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi. Số lượng các vụ án khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử còn chưa tương xứng với thực trạng tham nhũng; tỷ lệ thu hồi tài sản vẫn còn thấp. Với việc cho rằng nếu như trước đây, tình trạng “lợi ích nhóm”, sân sau mới chỉ là nghi ngờ của dư luận cử tri nhưng qua một số vụ án lớn được xét xử gần đây, qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng cho thấy những nghi ngờ của dư luận, cử tri là có căn cứ, Ủy ban Tư pháp kiến nghị Chính phủ, các ngành, các cấp cần tiếp tục chú trọng phòng, chống tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ tổng rà soát, kiểm tra công tác cán bộ.
Không thể “rung cây dọa khỉ” mãi
Thảo luận ở hội trường về các báo cáo trên, ĐB Hoàng Đức Thắng (tỉnh Quảng Trị) cho rằng hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý thời gian qua chủ yếu là các vụ tham nhũng nhỏ ở cấp xã, huyện, “những con mèo ăn vụng của dân, của nước” hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng được xã hội quan tâm do cơ quan điều tra TƯ xét xử. Trong khi đó, dư luận xã hội và nhân dân rất quan ngại về việc tham nhũng cấp tỉnh ít được phát hiện và xử lý.
“Phải chăng chúng ta đang bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này hay khi phát hiện thì xử lý theo kiểu khép kín nội bộ, phê bình nghiêm khắc, kiểm điểm rút kinh nghiệm như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH nêu? Cử tri đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo công khai và kiên quyết yêu cầu xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, không để hành chính hóa các quan hệ hình sự, xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu và không thể “giơ cao đánh khẽ”, “rung cây dọa khỉ” mãi được”, ĐB kiến nghị.
Cho rằng trong PCTN thì công khai minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp, ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) đề nghị mở rộng đối tượng kê khai tài sản, thu nhập đối với cả người có quan hệ huyết thống gần đối với người thuộc diện phải kê khai tài sản để hạn chế tẩu tán tài sản. Bên cạnh đó, ĐB đề nghị lập trang thông tin điện tử về kê khai tài sản, cập nhật thông tin kịp thời, bảo đảm minh bạch, công khai chứ không “mật” như hiện nay để tất cả người dân đều được giám sát, phát hiện sớm các dấu hiệu của hành vi tham nhũng, tận dụng được sức mạnh toàn dân trong việc giám sát và phòng ngừa tham nhũng. ĐB Linh cũng cho rằng cần nghiên cứu ban hành Luật Kê khai tài sản nhằm đủ cơ sở pháp lý góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa tham nhũng.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đề nghị cần chống tham nhũng trong công tác cán bộ. “Nếu không làm vậy sẽ tạo ra một đội ngũ cán bộ yếu kém và hệ lụy quan trọng hơn là sự xuất hiện một thế hệ tham nhũng bởi khi họ đã dùng tiền để chạy chức thì sẽ tính bài để thu lại”, ĐB nói.