Dẫn chứng ở một lĩnh vực mà tham nhũng dễ lộ diện nhất là quản lý và sử dụng đất đai thì thấy rõ nhận định này. Đơn giản nhất là cái việc cấp “sổ đỏ” thuộc trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền sử dụng đất của công dân nhưng lại là mảnh đất béo bở cho tham nhũng hoành hành. Khảo sát cho thấy, tại TP Hồ Chí Minh, 28% số người được hỏi cho là phải bỏ tiền ra mới được cấp “sổ đỏ”, bình quân là 14,5 triệu một vụ.
Nguy hiểm là ở chỗ nhiều người đồng ý với việc “xì tiền” ra này, “có 14, 5 triệu thôi ư, ở đâu mách em với” – một ý kiến cảm thán sau bài báo. Tham nhũng vặt đã đến mức độ phổ biến buộc người dân phải sống chung với nó.
Hoặc, ở một vụ việc cụ thể. Tại thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) một hộ dân bị thu hồi đất “phục vụ cho mục đích công cộng”, bị ép đến tận cùng phải giao đất, kể cả dùng những biện pháp hành chính thô bạo như Chủ tịch gửi công văn đến chỗ chủ hộ công tác yêu cầu kiểm điểm, cho nghỉ việc vì “không chấp hành chủ trương giao đất”, bắt phạt tiền hàng tỷ...
Thu hồi xong mảnh đất cha ông của người ta ở vị trí đắc địa nhất của thị xã giờ giao cho một doanh nghiệp tư nhân mở nhà hàng, karaoke. Rõ ràng, đủ yếu tố để cấu thành hành vi lạm dụng quyền lực nhưng sẽ không bao giờ được xem xét, xử lý đến nơi đến chốn, vì thế quản lý đất đai luôn luôn là khu vực màu mỡ nuôi dưỡng nạn tham nhũng hoành hành.
Mới nhất, hôm qua (15/8), vụ tham nhũng trong việc đền bù giải phóng mặt bằng ở huyện Đông Hòa (Phú Yên) với 15 bị cáo, đứng đầu là nguyên Chủ tịch huyện này với "bộ sậu" là Phó Chủ tịch huyện thường trực, Trưởng, Phó phòng Tài nguyên – Môi trường được đưa ra xét xử nhưng lại phải hoãn bơi thiếu 1 bị cáo và một số người liên quan. Đáng chú ý là vụ việc tham nhũng này xảy ra từ những năm 2013, 2014 giờ mới bị xét xử, độ nóng đã giảm rất nhiều, tính kịp thời, tác dụng răn đe, cảnh báo đã giảm thiểu đáng kể.
Một dẫn chứng khác, cũng rất thuyết phục là chiếm phần lớn các khiếu nại, tố cáo của dân thuộc lĩnh vực đất đai nhưng làm rõ và giải quyết không được là bao khiến vụ việc tồn đọng và kéo dài, gây mất ổn định xã hội, xói mòn niềm tin. Số đất đai tham nhũng hàng trăm hécta theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ bị phát hiện nhưng thu hồi cũng rất ít.
Chúng ta đang bắt tay vào sửa đổi Luật Phòng chống tham nhũng. Có thể nhận xét rằng, Luật đã có những quy định cụ thể, chặt chẽ, cái cần bổ sung là các biện pháp phòng chống phù hợp, khả thi và cái cần nhất là thực tâm chống tham nhũng, kiên quyết không thỏa hiệp với tham nhũng của cả hệ thống chính trị.